Hổ Bengal kêu cứu

Hổ Ấn Độ có thể bị diệt vong bởi nạn săn bắn trộm

Đường dây săn bắn hổ trái phép ở Ấn Độ rồi vận chuyển qua vào Trung Quốc trong nhiều năm đã làm sụt giảm số lượng lớn hổ Bengal.
Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Môi trường và Rừng của Ấn Độ, Jairam Ramesh đã có chuyến thăm Bắc Kinh để trao đổi về một loạt những vấn đề sinh thái học.

Bên cạnh việc tìm kiếm hợp tác song phương chống biến đổi khí hậu, một chủ đề quan trọng khác trong chương trình nghị sự của ông Ramesh là tình trạng săn bắn hổ trái phép ở Ấn Độ mà Trung Quốc gián tiếp đóng vai trò “thị trường động lực”.

Đường dây săn bắn hổ trái phép ở Ấn Độ rồi vận chuyển qua Nepal, Myanmar vào Trung Quốc trong nhiều năm qua đã dẫn đến những báo động về số lượng ngày càng ít ỏi của loài hổ Bengal, một động vật mang tính biểu tượng quốc gia của Ấn Độ.

Về mặt pháp lý, buôn bán các bộ phận hổ, báo là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Nhưng thị trường chợ đen lại cực kỳ sôi động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng với các bộ phận của hổ dùng làm thuốc tráng dương, tăng cường khả năng tình dục.

Nhu cầu này thúc đẩy tình trạng buôn lậu mọi thứ thuộc về hổ từ da, nanh, móng, râu, xương cho đến “pín”. Nguồn chính là bầy hổ tự nhiên của Ấn Độ rồi từ đó, “hàng” qua các nước láng giềng đến thị trường chủ lực là Trung Quốc.

Thực tế, tại Trung Quốc cũng có hàng chục nông trại nuôi hổ nhằm phục vụ thị trường trên. Các chuyên gia ước tính có khoảng 4.000 con hổ nuôi tại những nông trại này để sau đó bị dùng làm nguyên liệu cho một số loại thuốc cổ truyền Trung Quốc trong xu hướng tầng lớp giàu có ngày càng sẵn sàng bỏ tiền “đầu tư” cho sức khỏe của mình.

Thế nhưng theo quan điểm nhiều người, các bộ phận của hổ tự nhiên “xịn” hơn, tác dụng tốt hơn là hổ nuôi công nghiệp và vì thế, thị trường chợ đen vẫn cung không đủ cầu.

Bộ trưởng Ramesh của Ấn Độ nhận xét: “Chúng ta cần tăng cường các nỗ lực với Trung Quốc để phá vỡ mạng lưới buôn bán hổ trái phép. Tình trạng săn bắn hổ tại Ấn Độ có liên hệ trực tiếp đến những đường dây vào thị trường Trung Quốc”.

Ông Ramesh đã đưa ra một đề nghị đặc biệt với Trung Quốc về việc phối hợp cùng Nepal để kiểm soát tình trạng buôn lậu hổ dọc biên giới Ấn Độ. Ngoài ra, Bộ trưởng này cũng muốn Trung Quốc tích cực hơn trong xử lý thị trường hổ chợ đen.

Vài tháng gần đây, có tin đồn rằng Trung Quốc có thể sẽ dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán các bộ phận hổ, vốn được áp đặt từ năm 1993. Các chuyên gia cho rằng một động thái như vậy càng gián tiếp hủy hoại những nỗ lực bảo tồn loài hổ tại Ấn Độ.

Trước đây, Ấn Độ đã từng nhiều lần bày tỏ quan ngại nhu cầu của thị trường Trung Quốc khiến tình trạng săn bắn trộm hổ tại Ấn Độ gia tăng. Thế nhưng không ít “Chúa Sơn lâm” dọc biên giới Ấn Độ-Trung Quốc vẫn trở thành mục tiêu của các họng súng.

Săn hổ và vận chuyển lậu các bộ phận hổ đang là loại hình tội phạm phổ biến thứ hai dọc đường biên giới này, chỉ sau buôn lậu ma túy. Hậu quả là lượng hổ của Ấn Độ giảm đi nhanh chóng. Theo các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, hiện Ấn Độ chỉ còn khoảng 1.300 con hổ đang sống trong môi trường tự nhiên trong khi hai thập kỷ trước, số lượng này còn là 15.000 con.

Chính phủ Ấn Độ đã có nhiều cố gắng như thiết lập 37 khu bảo tồn hổ tại khắp 19 bang. Tuy nhiên, các tay săn trộm vẫn hoành hành. Ước tính trong năm nay, Ấn Độ đã mất 66 con hổ mà phân nửa là bị các tay săn trộm bắn hạ./.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục