Mỹ quyết tâm khôi phục đàm phán sáu bên

Mỹ kiên quyết theo đuổi nỗ lực khôi phục đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân, và để ngỏ khả năng tiếp xúc trực tiếp với Bình Nhưỡng.
Ngày 30/7, Mỹ khẳng định kiên quyết theo đuổi nỗ lực khôi phục đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sau khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi Washington đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Sau khi Triều Tiên trong tuần này đề cập phương thức đối thoại trực tiếp với Mỹ đồng thời khẳng định phản đối khôi phục đàm phán sáu bên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thúc giục Washington theo đuổi đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Phát biểu trước báo giới tại Washington về quan điểm trên của ông Ban Ki-moon, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly khẳng định chủ trương của Mỹ là phải đàm phán đa phương với Triều Tiên thông qua cơ chế sáu bên. Theo ông Kelly, Mỹ để ngỏ khả năng tiếp xúc trực tiếp với Triều Tiên.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận xét phát biểu này có lẽ nằm trong nỗ lực của Washington tìm cách để Triều Tiên trả tự do cho hai nữ nhà báo Mỹ bị bắt giữ và kết án 12 năm cải tạo lao động về các tội chống nhà nước Triều Tiên và vượt biên trái phép, vì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn nhấn mạnh bất kỳ cuộc đối thoại song phương nào giữa Mỹ với Triều Tiên đều phải ở trong khuôn khổ đàm phán sáu bên.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ ngày 30/7 thông báo áp dụng lệnh trừng phạt tài chính đối với Công ty Korea Hyoksin Trading của Triều Tiên vì công ty này "tham gia vào các chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng".

Theo chỉ thị của Bộ Tài chính Mỹ, mọi tài khoản của Korea Hyoksin Trading tại các ngân hàng ở Mỹ đều bị phong tỏa và người Mỹ không được giao dịch kinh doanh với công ty này.

Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 16/7 đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với công ty trên cùng 4 tổ chức và 5 quan chức khác của Triều Tiên bị cho là liên quan tới các chương trình tên lửa và hạt nhân.

Cùng ngày 30/7, ông Philip Goldberg, quan chức phụ trách việc thực hiện các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên theo nghị quyết của Liên hợp quốc, cảnh báo danh sách các cá nhân và tổ chức của Triều Tiên bị trừng phạt có thể sẽ được mở rộng.

Phát biểu với các phóng viên sau khi báo cáo trước một ủy ban của Liên hợp quốc về những biện pháp trừng phạt mới đây nhất của Mỹ đối với Triều Tiên, ông Goldberg khẳng định vấn đề xác định các đối tượng bị trừng phạt vẫn đang được thảo luận và "mọi lựa chọn vẫn đang đặt trên bàn"./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục