Indonesia: Dự trữ ngoại tệ xuống dưới 100 tỷ USD

Ngân hàng Trung ương Indonesia thông báo dự trữ ngoại tệ của nước này tính đến cuối tháng 6 đã giảm xuống dưới mức 100 tỷ USD.
Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) thông báo dự trữ ngoại tệ của nước này tính đến cuối tháng 6/2013 đã giảm xuống dưới mức 100 tỷ USD, chủ yếu do các dòng vốn chảy mạnh ra bên ngoài buộc BI phải bơm trở lại nhiều đồng bạc xanh hơn vào hệ thống ngân hàng.

Dự trữ ngoại tệ của BI, được sử dụng để cung cấp cho thị trường, đã giảm mạnh tới 7 tỷ USD trong tháng 6/2013, xuống còn 98,1 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2011, dự trữ ngoại tệ của Indonesia giảm xuống dưới 100 tỷ USD và cũng là mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1998.

Thống đốc BI Agus Martowardojo cho biết ngân hàng trung ương buộc phải rút mạnh từ dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ đồng nội tệ rupiah đã phải đối mặt với áp lực lớn trong tháng 6, do dòng vốn chảy mạnh ra bên ngoài và nhu cầu cao đối với đồng USD của các công ty và trả nợ nước ngoài.

Mặc dù vậy, ông Martowardojo cho rằng mức dự trữ 98,1 tỷ USD vẫn còn đủ trang trải 5 tháng rưỡi nhập khẩu và thanh toán nợ nước ngoài, cao hơn so với mức dự trữ chỉ đủ thanh toán 4,3 tháng nhập khẩu trong thời kỳ khủng hoảng năm 2005 và 2008.

Thống đốc Martowardojo nhấn mạnh rằng nhiệm vụ trước mắt của BI là ổn định tiền tệ, bởi trong tháng 6 các nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn tới 4,1 tỷ USD từ thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu Indonesia do lo ngại khả năng thanh khoản toàn cầu trở nên chặt chẽ hơn sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sẽ giảm dần chính sách kích thích tiền tệ của mình.

Sự giảm sút mạnh ngoại tệ trong tháng 6 vừa qua cũng có nghĩa là trong 6 tháng đầu năm nay dự trữ ngoại tệ của Indonesia đã giảm tới 14,7 tỷ USD, mức sụt giảm mạnh nhất trong các ngân hàng trung ương ở châu Á.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng bất kỳ biến động nào khiến dự trữ ngoại hối của Indonesia giảm xuống dưới 100 tỷ USD đều có thể kích hoạt một sự hoảng loạn trên thị trường tài chính và gây áp lực nặng nề lên đồng nội tệ rupiah.

Chuyên gia kinh tế khu vực ASEAN của ngân hàng BNP Paribas, khuyến cáo dự trữ ngoại tệ giảm sút sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các hãng đánh giá xếp hạng tín dụng.

Lãnh đạo BI cho biết BI đang thảo luận để đưa ra các biện pháp cần thiết ứng phó với tình hình mới, nhằm đảm bảo ổn định các điều kiện kinh tế vĩ mô cho tăng trưởng, thu hút đầu tư và kiềm chế lạm phát./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục