Năm ưu tiên để châu Á-TBD phát triển bền vững

UNESCAP nhấn mạnh 5 ưu tiên chính sách cần được các nước trong khu vực thúc đẩy để đảm bảo tăng trưởng bền vững, công bằng.
Ngày 7/7, Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) đã nhấn mạnh năm ưu tiên chính sách cần được các nước trong khu vực thúc đẩy để đảm bảo tăng trưởng bền vững, công bằng và phổ quát.

Các ưu tiên chính sách này bao gồm tập trung nỗ lực tạo việc làm; tăng cường bảo vệ xã hội; đầu tư lớn hơn cho tăng trưởng nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển môi trường thể chế và quy chế để tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo đối với nguồn tín dụng ưu đãi; thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng và tăng cường liên kết vật chất-buôn bán toàn khu vực.

Những ưu tiên chính sách này cũng nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống đói nghèo, duy trì các động lực tăng trưởng của châu Á-Thái Bình Dương như là khu vực dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế sau khủng hoảng.

Tiến sỹ Noeleen Heyzer, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký chấp hành UNESCAP, nhấn mạnh giảm đói nghèo, phát triển bền vững và đảm bảo công bằng là các nhân tố quyết định sự tăng trưởng của khu vực trong những năm tới.

Các nghiên cứu của UNESCAP cho thấy mặc dù các nền kinh tế mới nổi của châu Á-Thái Bình Dương góp phần thúc đẩy nền kinh tế thế giới phục hồi sau khủng hoảng, nhưng cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề về khả năng tiếp tục duy trì động lực này trong trung hạn khi các chính sách kích thích tăng trưởng chống khủng hoảng không còn được áp dụng.

Tiến sỹ Heyzer cũng lưu ý rằng trong khi các nền kinh tế phát triển không còn là đầu tầu tăng trưởng trong khu vực, rõ ràng các nước châu Á-Thái Bình Dương phải bắt đầu hướng nội để tìm các nguồn lực cho tăng trưởng.

Với 980 triệu người vẫn sống trong nghèo đói và khoảng cách về cơ sở hạ tầng cũng như về thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ngày càng dãn rộng ở mỗi nước và giữa các nước, châu Á-Thái Bình Dương còn nhiều việc phải làm để đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng về duy trì tăng trưởng.

Sự cách biệt kinh tế ngày càng lớn giữa các nước trong khu vực đã làm nổi bật nhu cầu tăng cường hội nhập thông qua thúc đẩy buôn bán giữa các nước trong khu vực.

Hiện thị phần trong buôn bán toàn cầu của các nước châu Á-Thái Bình Dương kém phát triển nhất thế giới chỉ chiếm chưa đầy 0,25%, trong khi tổng xuất khẩu hàng hóa thế giới đã tăng tới 42 lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục