Cựu nhân viên CIA lên tiếng về vụ bắt cóc ở Italy

Một cựu nhân viên CIA bị tòa án Italy buộc tội tham gia vụ bắt cóc ở Milan năm 2003 xuất hiện trước dư luận để tự bào chữa cho mình.

Một cựu nhân viên CIA bị tòa án Italy buộc tội vì tham gia vào một vụ bắt cóc bí mật ở Milan hồi năm 2003 đã xuất hiện trước dư luận để tự bào chữa cho bản thân.

Trong bài phỏng vấn được tờ Washington Post đăng hôm thứ Năm, Sabrina de Sousa, 56 tuổi, đã bác bỏ việc bà có tham gia vụ bắt cóc Hassan Mustafa Osama Nasr, thành viên phong trào Hồi giáo cực đoan Abu Omar của Ai Cập.

Abu Omar đã bị bắt trên đường phố Milan vào ngày 17/2/2003 trong một chiến dịch hợp tác giữa tình báo Mỹ và Italy. Tiếp đó ông ta bị chuyển tới Ai Cập và luật sư riêng nói rằng ông bị tra tấn tại đây.

Chiến dịch bắt cóc nằm trong một hoạt động của CIA còn được biết tới với thuật ngữ "rendition" -- trong đó một nghi phạm khủng bố bị chuyển tới một nước thứ ba cho phép hoạt động tra tấn diễn ra trong quá trình thẩm vấn.

Năm 2009, tòa án Italy đã tuyên phạt De Sousa và 22 nhân viên CIA khác 9 năm tù giam vì gây ra vụ việc trên. Trong một bài phỏng vấn, xuất bản chỉ một hôm trước khi Tòa án Tối cao Italy ra quyết định có giữ hay xóa án tù với các nhân viên CIA, De Sousa nói rằng bà chỉ là một sĩ quan cấp thấp và chẳng có liên quan gì tới vụ bắt cóc và chuyển người ra nước ngoài.

"Tôi không thể nhấc điện thoại lên gọi về Washington và nói 'Này, các anh hãy gửi cho tôi một chiếc máy bay'" - De Sousa, người đã rời CIA từ năm 2009 nói - "Ai có thể điều một chiếc máy bay như thế? Chỉ có thể là Bộ Quốc phòng, lãnh đạo CIA, lãnh đạo Bộ Ngoại giao".

De Sousa từ chối trả lời về việc liệu bà có biết về chiến dịch bắt cóc người hay không. Nhưng bà rất tức giận trước việc CIA và Bộ Ngoại giao không bảo vệ mình. Năm 2009, bà đã thua trong một lá đơn kiện chống lại 2 cơ quan này vì đã không sử dụng quyền miễn trừ ngoại giao để bảo vệ bà. Bà hiện đang tiến hành kháng án.

"Về mặt chính thức, tôi là một nhân viên ngoại giao. Nhưng khi nhân viên ngoại giao hay binh lính gặp rủi ro, tất cả sẽ đều mong chờ sự giúp đỡ từ chính phủ " - De Sousa nói.

Năm 2008, CIA nói với bà rằng "các hoạt động tình báo của bà không được quy định miễn trừ ngoại giao bảo vệ"./.

Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục