Khủng hoảng Ukraine có thể tác động đến Hiệp ước NPT

Ông Ban Ki-moon cảnh báo cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể tác động sâu sắc đến sự toàn vẹn của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Người dân mang lá cờ khổng lồ kết hợp các cờ của người Ukrainie, người Crimea và người Tatar trong cuộc míttinh tại Quảng trường Độc lập ở thành phố Kiev ngày 23/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 24/3, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba diễn ra tại La Haye (Hà Lan), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cảnh báo cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể tác động sâu sắc đến sự toàn vẹn của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Theo ông Ban Ki-moon, cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể khiến một số nước do dự hơn trong việc từ bỏ năng lực hạt nhân, cũng như thuyết phục một số nước khác theo đuổi hiệp ước có 189 nước tham gia ký kết này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng cách đây hai thập kỷ, những bảo đảm an ninh trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ Budapest (được Nga, Mỹ và Anh ký năm 1994) là điều kiện cần thiết để Ukraine gia nhập NPT. Tuy nhiên, lòng tin vào những đảm bảo an ninh này đã bị xói mòn nghiêm trọng bởi các sự kiện gần đây. Những tác động này ảnh hưởng rất lớn đến cả an ninh khu vực và tính toàn vẹn của NPT. Mặc dù vậy, ông Ban Ki-moon cho rằng không nên xem đây là cái cớ để theo đuổi vũ khí hạt nhân, một yếu tố chỉ làm gia tăng bất ổn và sự cô lập giữa các nước.

Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần này diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại rằng mối quan hệ giữa Mỹ, phương Tây và Nga (liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine) đang xấu đi có thể tác động tiêu cực tới nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn mối đe dọa về một thảm họa hạt nhân.

Theo giới chuyên gia hạt nhân, mặc dù đến nay Washington và Moskva đã thành công trong việc thiết lập mối quan hệ hợp tác trong các vấn đề hạt nhân, song một số ý kiến cho rằng "đợt băng giá" mới phủ lên quan hệ Mỹ-Nga có thể sẽ làm tiêu tan bất cứ hy vọng nào về việc Nga thuyết phục được Washington và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút các kho vũ khí cuối cùng của Mỹ ra khỏi châu Âu.

Các nhà vận động giải trừ vũ khí hạt nhân từ lâu đã lập luận rằng việc rút các kho vũ khí hạt nhân cuối cùng ra khỏi châu Âu là một biểu hiện mang tính xây dựng lòng tin với Moskva, bởi điều này có thể tạo áp lực để Nga giảm kho vũ khí chiến lược (khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân). Nhưng giờ đây, hầu hết các chuyên gia thừa nhận rằng cơ hội để có được điều này đã chuyển từ "mong manh" sang "không tồn tại"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục