Kinh tế Hy Lạp vẫn suy thoái dù thặng dư ngân sách

Bất chấp bức tranh tài chính khá sáng với việc đạt được thặng dư ngân sách nhưng nền kinh tế Hy Lạp vẫn chìm trong "bão" suy thoái.
Thứ trưởng Tài chính Hy Lạp Christos Staikouras cho biết, theo thống kê sơ bộ, ngân sách nước này (chưa tính lãi suất phải trả cho các khoản vay) đạt thặng dư 2,6 tỷ euro (3,5 tỷ USD) trong thời gian từ tháng 1-7/2013, tốt hơn nhiều so mới mức dự kiến thâm hụt 3,1 tỷ euro (4,2 tỷ USD) do chính phủ nước này đưa ra trước đó.

Nếu tính khoản tiền lãi đi vay, ngân sách của Aten bị thâm thủng 1,9 tỷ euro - một con số khả quan hơn rất nhiều so với con số chính phủ ước tính (thâm hụt 7,5 tỷ euro).

Trong khi đó, trong bảy tháng đầu năm 2012, Hy Lạp bị thâm hụt ngân sách 13,2 tỷ euro.

Ông Staikouras cho biết mức thâm hụt hiện nay tương đương 1% GDP, so với mức 6,8% GDP của cùng kỳ năm ngoái.

Kể từ năm 2010, Hy Lạp phụ thuộc nhiều vào các khoản vay quốc tế, và để có được gói cứu trợ này, Aten phải cam kết rà soát lại nền kinh tế và mạnh tay áp dụng các biện pháp khắc khổ đồng thời tăng thuế.

Tình hình ngân sách năm nay được cải thiện nhờ chính phủ cắt giảm chi tiêu và nguồn thu thuế tăng. Thêm vào đó là khoản tiền khoảng 1,5 tỷ euro mà các ngân hàng trung ương châu Âu trả cho Aten.

Số tiền này có từ việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã mua trái phiếu chính phủ Hy Lạp trong thời gian khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, bất chấp bức tranh tài chính khá sáng, nền kinh tế Hy Lạp vẫn chìm trong u ám. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5/2013 vọt lên mức kỷ lục 27,6%. Đặc biệt, gần 2/3 thanh niên không có việc làm.

Như vậy đây là năm thứ sáu liên tiếp Hy Lạp chìm trong bão suy thoái, với GDP giảm khoảng 1/4.

[Hy Lạp đẩy mạnh du lịch - "cứu tinh" cho nền kinh tế]

Theo thống kê mới được công bố, kinh tế Hy Lạp trong quý II/2013 giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2012. Con số này có bước cải thiện nếu so với mức giảm 5,6% của quý I năm nay.

Chính phủ Hy Lạp dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 0,2% vào cuối năm 2014. Trong khi đó, tuần báo Đức Der Spiegel, dẫn một báo cáo nội bộ của Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank, cho rằng Hy Lạp có thể cần thêm một chương trình cứu trợ nữa, vì nước này không thể vượt ra ngoài cơn bão khủng hoảng, bất chấp tiền cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).

Theo chuyên gia kinh tế Ben May thuộc Capital Economics, Capital Economics vẫn cho rằng kinh tế Hy Lạp sẽ sụt giảm 2% năm 2014 và nước này cần vay tiếp để trang trải nhu cầu tài chính.

Trong một thông tin có liên quan, công ty phụ trách vấn đề tư nhân hoá của Hy Lạp (HRADF) công bố đã ký thoả thuận bán 33% cổ phần tại sòng bạc OPAP cho Emma Delta với giá 652 triệu euro (870 triệu USD).

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục