Nhân lực tài nguyên môi trường: Ưu tiên cấp bách!

Thiếu nhân lực nhưng cán bộ đào tạo mỏng, người học lại chẳng mặn mà, đây là bài toán khó giải của ngành tài nguyên và môi trường.
Nhân lực ngành tài nguyên và môi trường đang thiếu, yếu và mất cân đối trong khi hệ thống đào tạo lại nhiều bất cập. Ưu tiên phát triển nhân lực đang trở thành vấn đề cấp bách của ngành.

Đây là nhận định chuyên gia trong lĩnh vực này tại Hội thảo Khoa học Quốc gia “Định hướng đào tạo nhân lực về Kinh tế - Quản lý Tài nguyên và Môi trường trong điều kiện đẩy mạnh hội nhập và phát triển” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 8/11 tại Hà Nội.

Ngành khát nhân lực

Theo ông Tạ Đình Thi, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhìn chung đội ngũ công chức, viên chức của ngành tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các lĩnh vực quản lý đều thiếu công chức, viên chức.

Ông Thi cho biết, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổng số công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường tại địa phương hiện có gần 42.000 người, trong đó có đến trên 26% chưa qua đào tạo.

Không chỉ yếu về trình độ, cơ cấu nhân lực giữa các ngành chuyên môn cũng đang có sự mất cân đối. Ngành tài nguyên và môi trường được giao phụ trách rất nhiều lĩnh vực như đất đai, địa chất và khoáng sản, môi trường, đo đạc và bản đồ, biển đảo, khí tượng thủy văn… Tuy nhiên, nhân lực quản lý đất đai chiếm đến 52,2% tổng số nhân lực trong khi nhân lực tài nguyên nước và khí tượng thủy văn chỉ chiếm 1%, địa chất khoáng sản chiếm 1,8%. Vì thế, trình độ chuyên môn nghiệp vụ có nơi phân công chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao.

Trong khi vấn đề nhân lực còn nhiều bất cập thì một số cán bộ của ngành tài nguyên môi trường lại yếu trong quản lý. Theo nhận định của ông Thi, các cán bộ này hầu như chưa được đào tạo các kỹ năng quản lý nhân viên, quản lý nhóm làm việc nên họ gặp phải nhiều khó khăn trước yêu cầu mới về công tác quản lý mang tính tổng hợp khi phải phối kết hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

“Nhân lực trong giai đoạn này đã đặt ra như một ưu tiên cấp bách,” ông Thi nói.

Cả ngành không có một giáo sư

Trong khi vị lãnh đạo phụ trách nhân lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường than phiền nhân lực ngành của mình là vấn đề cấp bách thì việc giải quyết có vẻ khó khăn khi hoạt động đào tạo ở các trường còn rất nhiều bất cập.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà, Trưởng bộ môn Công nghệ Môi trường, khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện cả nước có 78 cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng chuyên ngành về tài nguyên và môi trường, nhưng cũng mất cân đối.

Các lĩnh vực như đất đai, môi trường, số lượng người học lớn hơn nhu cầu. Nhưng hàng loạt ngành khác như khí tượng, thủy văn, đo đạc và bản đồ, quản lý biển và hải đảo, biến đổi khí hậu và phát triển đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, định giá về kinh tế hóa trong quản lý tài nguyên… lại ít sinh viên mặn mà. Thậm chí, có lĩnh vực còn chưa có chuyên ngành đào tạo.

Nguồn lực cán bộ giảng dạy, tham gia đào tạo cũng thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Cả ngành tài nguyên và môi trường chưa có một giáo sư nào. Cả ba trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Đại học Tài nguyên và Môi trường, Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung) là những nơi đào tạo chuyên sâu nhất về ngành cũng chỉ có 6 phó giáo sư, 25 tiến sĩ và 129 thạc sĩ.

Riêng Đại học Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2015, trường cần tới 100 giảng viên và cũng là một đại học non trẻ, mới được nâng cấp từ 2010.

Giảng viên không chỉ thiếu số lượng mà cả chất lượng. Theo Thạc sĩ Phạm Thị Bích Thủy, Phó trưởng Khoa Kinh tế, Tài nguyên và Môi trường của Đại học này, hầu hết giảng viên của khoa có tuổi đời còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm. Trong khi đó, cơ hội được học tập, nghiên cứu khoa học hạn chế do trường chưa có được một chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu nào trong lĩnh vực kinh tế tài nguyên và môi trường.

Trình độ ngoại ngữ của hầu hết giảng viên trong khoa còn yếu. Do là một lĩnh vực mới, số tài liệu bằng tiếng Việt chưa nhiều nên muốn nghiên cứu sâu chỉ có thể đọc các tài liệu nước ngoài tham khảo. “Đây là một thách thức lớn đối với việc đào tạo nhân lực,” Thạc sĩ Thủy nói.

Nhìn ở một góc độ khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Trưởng khoa Kinh tế - Quản lý Tài nguyên, Môi trường và Đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân, Phó Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, yếu tố đầu vào cũng đang là một thách thức đáng lo ngại.

Các ngành như khí tượng, thủy văn, có trường không tuyển được sinh viên nào theo học. Đây là ngành học khó, điều kiện làm việc lại vất vả nên không thu hút được người học. “Trước đây, ‘đầu vào’ các ngành này là những người thật sự giỏi, còn bây giờ, điểm đỗ chỉ ngang điểm sàn,” ông Chinh lo lắng nói.

Trong khi đó, theo ông Tạ Đình Thi, trong giai đoạn từ 2011 đến năm 2015, chỉ tính riêng lực lượng công chức, viên chức ở các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, nhu cầu nhân lực được đào tạo các chuyên ngành tài nguyên môi trường cần bổ sung tới 45.000 người.
 
Thiếu nhân lực nhưng lực lượng cán bộ đào tạo mỏng, người học lại chẳng mặn mà, đây thực sự là một bài toán khó giải của ngành tài nguyên và môi trường./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục