Công nghệ đường biên điện tử vẫn có thể sai lầm

Tạp chí Nature khẳng định công nghệ đường biên điện tử vẫn có thể sai lầm và gây thất vọng cho khán giả theo dõi trận đấu qua màn ảnh.
Một bài báo đăng trên tạp chí khoa học danh tiếng Nature khẳng định công nghệ đường biên điện tử - được sử dụng để xác định vị trí trái bóng so với đường biên dọc và đường biên ngang, phân định các tình huống gây tranh cãi khi ghi bàn - vẫn có thể mắc sai lầm và gây thất vọng cho khán giả theo dõi trận đấu qua màn ảnh.

Theo bài viết của nhà báo chuyên về mảng tin khoa học Nic Flemming, người tự nhận là một cổ động viên của Câu lạc bộ Anh Sheffield United, trong khi đa số người hâm mộ tin tưởng rằng họ đang theo dõi chính xác về những gì vừa mới xảy ra thì thực chất đó chỉ là những đoạn băng dựng lại trên máy tính từ chuỗi hình ảnh hai chiều do các camera theo dõi trái bóng cung cấp.

Tác giả cho rằng công nghệ này cho kết quả tốt hơn các trọng tài trên sân, nhưng điểm mấu chốt là "nó không thể chính xác 100%" và "đôi khi vẫn mắc sai sót, cho dù chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra."

Do đó, thật là sai lầm khi đảm bảo với người hâm mộ rằng công nghệ này sẽ loại bỏ hoàn toàn các sai sót đã từng xảy ra như việc trọng tài đã từ chối công nhận một bàn thắng rõ ràng mà tiền vệ Frank Lampard ghi được tại World Cup 2010.

Sau nhiều năm tranh luận và thử nghiệm cộng với những tranh cãi liên quan đến công tác trọng tài, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cuối cùng đã nhượng bộ và quyết định áp dụng công nghệ đường biên điện tử từ năm ngoái.

Giải đấu lớn đầu tiên sử dụng công nghệ này là Cúp các câu lạc bộ vô địch thế giới (Club World Cup) năm 2012 tổ chức tại Nhật Bản, nhưng tại giải này không cần can thiệp một lần nào.

Cúp các liên đoàn (Confederation Cup) diễn ra tại Brazil vào tháng tới sẽ là giải đấu lớn thứ hai của FIFA, sau đó là các trận đấu trong khuôn khổ giải Ngoại hạng Anh, bắt đầu từ tháng Tám, đưa vào sử dụng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục