Thanh tra nhằm thúc đẩy trách nhiệm người đứng đầu

Mục đích của các cuộc thanh tra trách nhiệm là nhằm thúc đẩy trách nhiệm của các tập thể, cá nhân, trong đó có người đứng đầu.
Trả lời báo chí bên lề hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010 (khu vực phía Bắc), Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khẳng định, mục đích của các cuộc thanh tra trách nhiệm là nhằm thúc đẩy trách nhiệm của tập thể, cá nhân, trong đó có người đứng đầu.

Liên quan đến việc kiến nghị xử lý trách nhiệm của người đứng đầu qua các vụ việc thanh tra, ông Truyền cho biết, năm 2009, Thanh tra Chính phủ đã tăng cường thanh tra trách nhiệm trên nhiều mặt, do đó số lượng vụ việc thanh tra phải kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu nhiều hơn so với năm trước.

Ông Truyền khẳng định, nội dung của thanh tra trách nhiệm trước hết là trong việc chấp hành pháp luật và thực hiện trách nhiệm công vụ của các ngành và địa phương; qua đó nhằm chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn và lĩnh vực. Mục đích của thanh tra trách nhiệm nhằm đánh giá cách thức tổ chức, quản lý điều hành và thực hiện chức trách, nhiệm vụ, qua đó thúc đẩy trách nhiệm của tập thể, cá nhân, trong đó có người đứng đầu.

Các cuộc thanh tra đã giúp những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương bám sát trách nhiệm của mình hơn, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Qua thanh tra phát hiện có những trường hợp cá nhân, tổ chức sai phạm trong việc chấp hành pháp luật đã phải kiến nghị xử lý. "Việc này cũng nhằm giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, chứ không phải hễ thanh tra vào đâu thì xử lý ở đó", ông Truyền nói.

Ông Trần Văn Truyền nhìn nhận, thanh tra công tác phòng chống tham nhũng là một lĩnh vực khó và phức tạp, một mặt công tác thanh tra phải nhằm động viên tập thể để mọi người nâng cao ý thức trách nhiệm, mặt khác phải làm sao cho người đứng đầu tự nhận thức rõ trách nhiệm của mình, tự chịu trách nhiệm.

Đối với người đứng đầu yếu kém, hoặc thiếu trách nhiệm, dẫn đến để xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực tham nhũng ở ngành hoặc địa phương do mình phụ trách mà không tích cực giải quyết, thậm chí sợ trách nhiệm, che giấu khuyết điểm sẽ bị kiến nghị xử lý trách nhiệm.

Về kết quả xử lý sau thanh tra, Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền nói, cơ quan thanh tra chỉ có quyền kiến nghị kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm các cán bộ có vi phạm qua thanh tra, còn việc xử lý như thế nào sẽ thuộc về thẩm quyền của cơ quan quản lý đối với tổ chức hoặc cán bộ đó.

Về mặt nguyên tắc, việc xử lý sau thanh tra phải được thực hiện và thông báo cho cơ quan thanh tra, tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua việc này chưa được thực hiện nghiêm. Để tránh tình trạng không xử lý đối với tổ chức hoặc cán bộ vi phạm, cơ quan Thanh tra sẽ thực hiện phúc tra trở lại tất cả những cuộc thanh tra và sẽ kiến nghị xử lý ở cấp độ nghiêm khắc hơn với những biện pháp cứng rắn hơn, ông Truyền nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2009 vừa qua, toàn ngành Thanh tra đã thực hiện trên 3.700 cuộc thanh tra trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trên các lĩnh vực.

Cơ quan thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với trên 820 tập thể, gần 3.200 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 95 vụ việc./.

Quang Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục