Không tấn công hạt nhân

"Triều Tiên sẽ không tấn công bằng vũ khí hạt nhân"

Mặc dù có những lời lẽ mạnh mẽ song các nhà phân tích không cho rằng Triều Tiên sẽ thực hiện một vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Ngày 4/4, Triều Tiên cảnh báo rằng quân đội nước này đã được ủy quyền tấn công vào lãnh thổ Mỹ bằng "những vũ khí hạt nhân đa dạng, nhỏ và nhẹ hơn".

Trong khi đó, tại Washington, Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa trên đảo Guam ở Thái Bình Dương nhằm tăng cường bảo vệ khu vực trước khả năng tấn công từ Triều Tiên.

Mặc dù có những lời lẽ mạnh mẽ như vậy song các nhà phân tích không cho rằng Triều Tiên sẽ thực hiện một vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân, bởi Bình Nhưỡng hiểu rằng một động thái như vậy có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mang tính hủy diệt và tự sát mà không quốc gia nào trong khu vực mong muốn điều đó.

Đây là lời cảnh báo mới nhất của Bình Nhưỡng trong số hàng loạt đe dọa ngày càng leo thang từ Triều Tiên - quốc gia đã nhiều lần lên tiếng phản đối các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn diễn ra tại Hàn Quốc trong những tuần qua, đồng thời tỏ thái độ giận dữ trước việc thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với nước này liên quan tới vụ thử hạt nhân tháng 2/2013. Trước đó, ngày 3/4, Bình Nhưỡng cũng đưa ra một lời đe dọa khác, theo đó nước này không cho phép các công dân Hàn Quốc làm việc tại khu công nghiệp Kaesong của Triều Tiên vào khu vực này.

Washington cho rằng các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn, mà lần này có sự tham gia của các máy bay chiến đấu và các máy bay tàng hình có khả năng mang vũ khí hạt nhân, diễn ra theo kế hoạch tập trận thường niên giữa hai nước đồng minh. Trong khi đó, Bình Nhưỡng coi các cuộc tập trận này là sự tập dượt cho một cuộc xâm lược miền Bắc.

Hai miền Nam-Bắc từng chiến đấu chống lại nhau trong cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài 3 năm, kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn năm 1953. Về mặt lý thuyết, cho tới nay, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vẫn trong tình trạng chiến tranh. Washington hiện đang có 28.500 binh sĩ đóng quân tại Hàn Quốc để bảo vệ đồng minh này.

[Triều Tiên duyệt kế hoạch tấn công hạt nhân vào Mỹ]

Ông Hagel cho biết Washington đang làm tất cả những gì có thể để xoa dịu tình hình. Ngày 3/4, ông nói: "Một số hành động của họ (Triều Tiên) trong vài tuần qua gây ra mối nguy hại thực sự và rõ ràng, đe dọa tới lợi ích của các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời việc Triều Tiên có những cảnh báo nhằm trực tiếp vào căn cứ của Mỹ tại Guam là mối đe dọa đối với Hawaii và Bờ Tây của nước Mỹ". Tại Bình Nhưỡng, quân đội nước này tuyên bố rằng binh lính Triều Tiên được phép đáp lại "cuộc xâm lược" của Mỹ bằng "sự phản kháng quân sự mạnh mẽ thích hợp", bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Truyền thông nhà nước dẫn lại lời một phát ngôn viên của Quân đội Nhân dân Triều Tiên: "Chúng tôi chính thức tuyên bố với Nhà Trắng và Lầu Năm Góc rằng chính sách thù địch ngày càng leo thang của Mỹ đối với Triều Tiên sẽ bị đập tan bằng ý chí mạnh mẽ của tất cả các binh chủng và nhân dân Triều Tiên, bằng các vũ khí hạt nhân đa dạng, nhỏ và nhẹ hơn. Tốt nhất Mỹ nên cân nhắc tới tình hình nghiêm trọng hiện nay."

Tuy nhiên, khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn là điều chưa rõ ràng. Bình Nhưỡng được cho là đang nghiên cứu chế tạo bom hạt nhân có kích cỡ đủ nhỏ để gắn vào tên lửa tầm xa. Các vụ phóng tên lửa tầm xa mà Triều Tiên tuyên bố là để đưa vệ tinh vào vũ trụ năm 2009 và 2012 được nhiều người cho là vỏ bọc của các vụ thử công nghệ tên lửa. Triều Tiên cũng đã tiến hành ba vụ thử hạt nhân ngầm dưới lòng đất, gần đây nhất là vào tháng 2/2012.

Nhà khoa học hạt nhân Siegfried Hecker, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế tại Đại học Stanford, viết trên trang web của trung tâm này: "Tôi không cho rằng Triều Tiên có khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân gắn vào các tên lửa, và cho dù nhiều năm nữa thì Bình Nhưỡng cũng chưa thể làm được điều này. Khả năng tấn công Hàn Quốc cũng rất hạn chế. Thậm chí nếu Bình Nhưỡng có các phương tiện kỹ thuật này, tại sao họ lại muốn tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân trong khi họ hiểu rõ ràng việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể dẫn tới sự đáp trả quân sự mạnh mẽ và khiến chế độ này sụp đổ?"

[Triều Tiên dọa nã rocket Guam, Hawaii, lục địa Mỹ]

Ngày 2/4, tại Seoul, một quan chức cấp cao của chính phủ nói rằng hiện chưa rõ khả năng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã tiến bộ tới mức nào. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng hậu quả của một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Seoul hoặc xa hơn nữa cũng đe dọa tới Bình Nhưỡng, khiến khó có khả năng xảy ra một cuộc tấn công.

Triều Tiên vẫn quả quyết rằng nước này cần phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ trước Mỹ. Ngày 1/4, một cuộc họp cấp cao do nhà lãnh đạo Kim Jong Un chủ trì tuyên bố rằng xây dựng nền kinh tế và "các lực lượng vũ trang hạt nhân" là hai nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục