QH thảo luận về sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 28/5, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều 28/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.

Thảo luận tại Hội trường Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.

Liên quan đến vấn đề giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, thuê mua nhà ở, đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) tán thành với quy định của dự thảo luật và cho rằng việc giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với các đối tượng này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, đại biểu lo ngại việc giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với việc bán, cho thuê, cho thuê mua căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc; làm tăng mật độ dân cư và ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

Dự thảo luật bổ sung quy định về ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Theo đó, áp dụng phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên. Đại biểu Trần Văn Huynh đề nghị cần xem xét quy định mức ngưỡng doanh thu tính thuế thấp hơn phương án đề xuất của Chính phủ vì với mức doanh thu 1 tỷ đồng/năm thì số lượng các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng phương pháp tính trực tiếp là khá lớn.

Mặt khác, chưa thể hiện được bước tiến bộ hơn trong quản lý, áp dụng thuế giá trị gia tăng vì ở Việt Nam, thuế giá trị gia tăng đã được áp dụng trong khoảng thời gian khá dài nhưng các đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đáp ứng mục tiêu “tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế” đề ra trong Chiến lược cải cách thuế.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), thực tế cho thấy tất cả các doanh nghiệp hiện nay đều áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có trình độ, năng lực khác nhau, những doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng theo phương pháp khấu trừ thường khó khăn và phức tạp, tốn kém nhiều chi phí trong việc thực hiện thủ tục kê khai thuế. Đại biểu đề nghị cần có biện pháp thu thuế đơn giản với đối tượng này.

Về đối tượng không chịu thuế, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng số lượng 25 nhóm đối tượng miễn thuế giá trị gia tăng như dự án Luật còn nhiều, chưa phù hợp với Chiến lược cải cách thuế. Đại biểu dẫn chứng theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, một trong những nội dung cải cách, sửa đổi bổ sung theo hướng giảm bớt nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng...

Cùng quan điểm trên, đại biểu Lê Minh Hiền (Thái Bình) cho rằng ưu tiên càng nhiều đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng càng gây khó khăn cho doanh nghiệp bán hàng, hoàn toàn không mang lại ưu đãi cho doanh nghiệp...

Theo chương trình, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng sẽ được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này

Cũng trong chiều 28/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật./.

Khiếu Tư (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục