Khiêu vũ thể thao "hớp hồn" người Hà Nội

Mới phát triển tại Hà Nội từ năm 2000 trở lại đây, khiêu vũ thể thao đã "hớp hồn" đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng và những người lớn tuổi.
Mới phát triển tại Hà Nội từ năm 2000 trở lại đây, khiêu vũ thể thao - sự kết hợp giữa phong cách khoẻ khoắn của thể thao và sự bay bổng nghệ thuật  - đã "hớp hồn" đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng và những người lớn tuổi.

Chị Nguyễn Thu Giang, một phụ nữ nhỏ nhắn, có khuôn mặt xinh đẹp, dễ thương, mặc chiếc áo trắng và chiếc váy xanh xẻ những đường chéo, ngồi đung đưa trên chiếc ghế dài trong câu lạc bộ khiêu vũ Bách Khoa Hà Nội. Chị đến với khiêu vũ được 12 năm, khi bộ môn này mới "chập chững" những bước đầu tiên tại Hà Nội.

Tay chị gõ nhịp, miệng lẩm nhẩm theo tiếng nhạc, ánh mắt lơ đễnh nhìn đám đông học viên đang vội vã nhét chân vào đôi giày nhảy được làm bằng thứ da mềm, đen - loại giày chuyên biệt, hỗ trợ luyện tập và thi đấu của mỗi người.

Không nhàn hạ như cô học trò, anh Vũ Chí Dũng, giảng viên lâu năm của câu lạc bộ khiêu vũ Bách Khoa, vừa hướng dẫn động tác, vừa đếm nhạc cho học viên bằng tiếng Anh.

Những số đếm “2, 3, 4, 1” được đọc theo nhịp chậm rãi rồi nhanh dần. Sau đó, tiếng nhạc lại thay thế nhịp đếm. Hơn 60 học viên, gồm nhiều lứa tuổi, từ hai mươi tuổi đến ngoài sáu mươi tuổi, hiểu người thầy muốn gì ở họ và họ cố gắng thực hiện.

Tay nắm tay, chân chuyển động, khuôn mặt biểu cảm, tươi tắn, họ chuyển từ bước nhảy cơ bản sang các bước nhảy đòi hỏi về độ khó của kỹ thuật như Cucaracha, Fan, Alemana.

Tất cả mướt mát mồ hôi với những kỹ thuật cơ bản của thể loại Latin khi họ phải lần lượt thay đổi trọng tâm của cơ thể trên từng chân. Bất chợt, mọi người phá lên cười sảng khoái khi người thầy diễn tả lại động tác cơ bản được thực hiện khá vụng về của một đôi nhảy.

Vừa lau mồ hôi đang nhỏ giọt chảy trên khuôn mặt, Nguyễn Văn Nghĩa, 27 tuổi, một học viên trong câu lạc bộ vừa kể lý do tìm đến với khiêu vũ thể thao. Đó là khi anh tình cờ xem bộ phim "Shall we dance" và chợt nhận ra vẻ đẹp của khiêu vũ.

Sau một thời gian luyện tập, Nghĩa đã biết cách đưa những lo âu, bộn bề của cuộc sống vào quên lãng để "nói chuyện" với những bản nhạc và ngôn ngữ của cơ thể. Với anh, khiêu vũ là niềm vui, là hạnh phúc và "địa chỉ" giảm stress sau những giờ làm việc căng thẳng.

Khác với Nghĩa, Lâm Thanh Nga, 24 tuổi, diễn viên múa của Đoàn ca múa Phòng không - Không quân, "dấn thân" đến với khiêu vũ thể thao được gần 3 năm. Cô gái này luyện tập như "điên" tại nhiều nơi như câu lạc bộ ODC (Olympic Dance Club, số 1 Giang Văn Minh), câu lạc bộ khiêu vũ Bách Khoa.

Những buổi luyện tập các điệu nhảy Rumba, Chachacha, Samba, Jive, Pasodoble; Tango... thường "đốt sạch" năng lượng của cô do mỗi chuyển động của gót chân, bàn chân, đầu gối, hông, bụng, vai và những kỹ thuật trong từng bước nhảy đều đòi hỏi chuẩn mực, độ khó cao, tiêu tốn sức lực. Song Nga hạnh phúc với điều đó.

Sau khi khoác áo thi đấu cho một số câu lạc bộ của thành phố, cô được chọn vào đội tuyển Dancesport Hà Nội. Tháng 9 năm nay, Lâm Thanh Nga tham dự giải Khiêu vũ Quốc tế Mê Trang Cup 2009, giải đấu được coi như "quần anh hội" - nơi hội tụ hơn 100 đôi nhảy chuyên nghiệp trên toàn quốc và quốc tế tham gia thi đấu.

Thu Giang, Thanh Nga và Nguyễn Văn Nghĩa là ba trường hợp tiêu biểu cho những lựa chọn đến với khiêu vũ của hàng trăm ngàn người đang sinh hoạt ở hàng chục câu lạc bộ khiêu vũ và địa điểm luyện tập ngoài trời của Hà Nội như Cung văn hóa thể thao Việt Xô, Nhà văn hóa Hai Bà Trưng, câu lạc bộ ODC, câu lạc bộ Bách Khoa, Câu lạc bộ Khiêu vũ Thanh niên hay Công viên Tuổi trẻ, Công viên Thống Nhất...

Nếu ban đầu, họ đến với bộ môn này với mong muốn tiếp thu một loại hình giao tiếp cộng đồng, vẻ đẹp của ngôn ngữ hình thể, thì sau đó số ít cá nhân có khả năng vượt trội đã "dấn thân" vào con đường chuyên nghiệp. Nhưng họ đều có chung nhận thức, nếu không có niềm đam mê, khó lòng theo đuổi được khiêu vũ thể thao./.

Anh Tùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục