Thủ tướng Nhật Bản sẽ thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Nhật sẽ thăm chính thức Việt Nam ngày 31/10, sau Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật, theo  lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan sẽ thăm chính thức Việt Nam ngày 31/10, sau khi dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 13 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Hà Nội.

Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của ông Naoto Kan trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản.

Nhật Bản và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973. Từ đó đến nay, mối quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố, tăng cường, thông qua nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và hiệu quả hợp tác tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-giáo dục, du lịch và lao động. Đặc biệt, năm 2002, lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí xây dựng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài.”

Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 7/2004 của Ngoại trưởng Nhật Bản, hai bên đã ký Tuyên bố chung “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững.” Tháng 10/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhật Bản, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước: “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.”

Tiếp đó, trong chuyến thăm Nhật Bản cấp Nhà nước tháng 11/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Yasuo Fukuda đã ký Tuyên bố chung “Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản” và “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược.”

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tháng 4/2009, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Aso Taro nhất trí ra "Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á."

Việt Nam coi Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Kim ngạch thương mại hai nước không ngừng tăng; trong đó năm 2006 là 9,93 tỷ USD; năm 2009 là 13,76 tỷ USD và trong bảy tháng đầu năm 2010 đạt 9,02 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ ba trong tổng số hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với hơn 1.260 dự án đầu tư trực tiếp, tổng vốn đăng ký hơn 20,5 tỷ USD.

Từ tháng 6/2008, hai bên đã bắt đầu thực hiện giai đoạn III Sáng kiến chung Việt-Nhật nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, hỗ trợ thúc đẩy tam giác phát triển và hành lang Đông-Tây. Ngày 1/10/2009, Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) có hiệu lực, góp phần cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật-ASEAN, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Đặc biệt, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và cam kết duy trì ODA ở mức cao. ODA tài khóa 2009 cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 147 tỷ yen, trong đó có 47 tỷ yen hỗ trợ khẩn cấp kích cầu kinh tế. Nhật Bản cũng cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Là đất nước có nền giáo dục đạt chất lượng cao, uy tín trên thế giới, những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam.

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản giúp Việt Nam đào tạo 1.000 tiến sỹ đến năm 2020 và tiếp tục tăng học bổng cho Việt Nam.

Với sự trợ giúp của chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đang thí điểm dạy tiếng Nhật tại một số trường phổ thông cơ sở tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng. Nhật Bản đang triển khai kế hoạch mời 2.000 thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản trong năm năm, theo nhiều chương trình trong đó bao gồm cả chương trình dành cho học sinh cấp 2 và cấp 3.

Nhật Bản là một thị trường tiềm năng cho lao động Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử khoảng 31.000 tu nghiệp sinh sang Nhật Bản; năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, số lượng tu nghiệp sinh và lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chỉ đạt khoảng 6.150 người. Luôn nằm trong số năm nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam, số khách du lịch Nhật Bản chiếm gần 10% tổng lượng khách vào Việt Nam.

Hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác du lịch Việt-Nhật vào tháng 4/2005 và nhiều văn bản hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam. Năm 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lượng khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam đạt hơn 359.230 lượt khách, giảm 8,6% so với năm 2008.

Chuyến thăm của Thủ tướng Naoto Kan diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục có bước phát triển mới sau khi lãnh đạo hai nước nhất trí nâng khuôn khổ quan hệ lên tầm “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào năm 2009.

Thủ tướng Naoto Kan và Ban lãnh đạo mới của Nhật Bản khẳng định tiếp tục coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam, hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương.

Đây là dịp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác trong các lĩnh vực khác, tăng cường sự phối hợp giữa hai nước trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm./.

Hoàng Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục