Đảm bảo sản xuất liên tục trong khi xảy ra thiên tai

Hội thảo đánh giá rủi ro thiên tai, xây kế hoạch duy trì sản xuất kinh doanh cho KCN tập trung ở ASEAN đã được tổ chức 18/9, ở Hà Nội.
Hội thảo triển khai dự án “Đánh giá rủi ro thiên tai và xây dựng kế hoạch duy trì sản xuất kinh doanh vùng cho các khu công nghiệp tập trung khu vực ASEAN” nhằm hướng tới giảm nhẹ thiệt hại cho nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung có khả năng bị tàn phá do thiên tai gây ra, tổ chức ngày 18/9, tại Hà Nội.

Hội thảo này Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo khu vực ASEAN, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: Việt Nam là nước nông nghiệp đang trong quá trình công nghiệp hóa nên việc chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực công nghiệp để bảo vệ cho phát triển công nghiệp là một trong những quan tâm hàng đầu.

Việt Nam là thành viên của ASEAN, nhưng chưa có kinh nghiệm trong đánh giá rủi ro thiên tai và xây dựng kế hoạch duy trì sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, vì vậy dự án thí điểm “đánh giá rủi ro thiên tai và xây dựng kế hoạch duy trì sản xuất kinh doanh vùng cho các khu công nghiệp tập trung khu vực ASEAN” là cơ hội để Việt Nam đảm bảo sản xuất công nghiệp liên tục trong điều kiện có thiên tai xảy ra tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao nhận thức cũng như áp dụng các biện pháp phòng chống thiên tai trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp vừa và nhỏ.

Cũng tại hội thảo, ông Masakazu Takahashi, Trưởng đoàn nghiên cứu JICA về dự án thí điểm về xây dựng kế hoạch duy trì sản xuất kinh doanh vùng cho các khu công nghiệp tập trung khu vực ASEAN nhấn mạnh: Qua thực tế trận động đất ở KOBE (Nhật Bản) làm nhiều người bị thương, nhiều nhà cửa đổ sập, hỏa hoạn gần như thiêu trụi thành phố, hệ thống giao thông đường bộ, cảng bị phá hủy rất nhiều… Sau thiên tai, tỷ trọng các ngành kinh doanh đều sụt giảm đã tác động lớn đến nền kinh tế của quốc gia điều này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì sản xuất kinh doanh liên tục trong công nghiệp cũng như kế hoạch thiết lập và duy trì kinh doanh.

Ông Masakazu Takahashi chia sẻ: Trong khu vực ASEAN, dự án lựa chọn cụm công nghiệp phía đông Jakarta (Indonesia), phía Nam Metro Manila (Philippines) và Hải Phòng (Việt Nam) nghiên cứu. Theo đó, các cụm công nghiệp tập trung đều có đường cung cấp huyết mạch như điện nước, giao thông, cảng hàng không… và khi thiên tai xảy ra thì các đường cung cấp huyết mạch sẽ bị ảnh hưởng và các hợp phần đều phải chịu chung thảm họa như nhau. Tuy nhiên, xét về mặt cạnh tranh, trong cùng khu vực chịu tác động rủi ro như nhau nhưng với những khu vực ở xa nơi xảy ra thiên tai thì khu vực chịu tác động sẽ chịu nặng nề của sự cạnh tranh. Qua đó thấy tầm quan trọng của việc phải sản xuất kinh doanh liên tục.

Hợp phần 1 của dự án sẽ nghiên cứu tại 10 nước ASEAN, lập bản đồ các cụm công nghiệp chính cho toàn bộ 10 nước, nghiên cứu về đặc điểm tự nhiên dễ bị ảnh hưởng thiên tai, sau đó phân tích đánh giá toàn bộ khu vực. Hợp phần 2 sẽ thí điểm tại 3 nước lựa chọn để đánh giá, thiết lập kinh doanh liên tục cho khu vực tại dự án thí điểm. Tiến tới xây dựng khung hệ thống và quy trình thực hiện kế hoạch kinh doanh liên tục vùng thông qua các hoạt động thử nghiệm tại cụm công nghiệp lập thí điểm. Từ đó lập kế hoạch kinh doanh liên tục vùng và những kinh nghiệm để nhân rộng triển khai./.

Thu Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục