Hơn 80% giới trẻ còn ngại dấn thân vào đời

Hơn 80% HS, SV có nhiều ước mơ đẹp nhưng lại thiếu khả năng hoạch định tương lai, đặc biệt là kỹ năng sống, thái độ dám dấn thân.
Hơn 80% học sinh, sinh viên trong số 2.000 người được hỏi lạc quan và có nhiều ước mơ đẹp cho tương lai nhưng lại thiếu hẳn khả năng hoạch định tương lai, đặc biệt là kỹ năng sống và thái độ dám dấn thân vào đời đã ảnh hưởng không ít đến việc phát huy tiềm năng, định hướng nghề nghiệp và thực hiện ước mơ…

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo khoa học "Nhận thức và thái độ của học sinh, sinh viên về định hướng tương lai" do Viện Nghiên cứu giáo dục, đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/10, tại Hà Nội.

Kết quả nghiên cứu thực hiện trên 2.000 học sinh trung học phổ thông và sinh viên tại 4 thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ cho thấy, hầu hết học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn còn mơ hồ về hướng đi và mục tiêu phấn đấu ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Viện Nghiên cứu khoa học nhấn mạnh: "25% kiến thức học sinh, sinh viên học trong nhà trường, 75% kiến thức là từ cuộc sống. Học sinh, sinh viên hiện nay chỉ muốn học lên cao mà chưa muốn đi làm. Đây thực sự là gánh nặng cho ngành giáo dục".

Cũng theo nghiên cứu này thì học sinh, sinh viên Việt Nam chưa có thái độ dám dấn thân vào đời và chưa muốn tạo cho mình một cuộc sống độc lập. Các em vẫn tiếp tục muốn học lên (75,4%) hay đi du học (23,2%) như một cách để trang bị cho tương lai.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trung học phô thông Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhận xét: "Hệ thống giáo dục trong nhà trường đang làm cho học sinh thiếu tập trung, không thấy được rằng cần phải quan tâm tới học tập. Hơn nữa, giáo dục Việt Nam vẫn đi theo "đường ray": Nhồi nhét kiến thức mà không xây dựng được ý thức tự học cho các em.

Để định đoạt tương lai, cá nhân cần phải tự học, tự phát triển năng lực. Việc định hướng tương lai cho các em, lâu nay chúng ta cũng đang bỏ ngỏ".

Những giải pháp được nhóm nghiên cứu đưa ra như cải tiến chương trình dạy và học tập hiện nay, đi đôi với thiết kế lại các chương trình học tập một cách linh hoạt, liên thông giữa các hình thức học tập và các bậc học, đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thu hút học sinh vào các trường nghề đào tạo theo nhu cầu phát triển xã hội.../.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục