Lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran, Triều Tiên

Nhóm 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ cho rằng chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên là những thách thức to lớn.
Nhóm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ nhất trí cho rằng chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên là những thách thức to lớn đối với cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố được đưa ra sau hội nghị của 5 nước trên, nhằm xem xét việc thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), diễn ra trong các ngày 18 và 19/4 tại Geneva (Thụy Sĩ), nhấn mạnh rằng bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Ban Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Triều Tiên ngày 12/2/2013 đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba, trong khi Iran vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.

Chính điều này khiến các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an thực sự lo ngại và cho rằng đây là những thách thức nghiêm trọng đối với cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi các nước liên quan nhanh chóng thực hiện những cam kết quốc tế.

Tại hội nghị kéo dài 2 ngày theo sáng kiến của Nga, các bên đã thảo luận những khía cạnh của bản báo cáo về tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân và những vấn đề liên quan đến Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO), tiếp tục nghiên cứu biên soạn bảng chú giải các định nghĩa về thuật ngữ hạt nhân cơ bản, cũng như lưu ý đến các khu vực phi vũ khí hạt nhân.

Phát biểu với báo giới, đại diện phái đoàn Nga tham dự hội nghị, ông Grigory Berdennikov cho rằng việc phối hợp hành động trong khuôn khổ các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, đồng thời cũng là 5 cường quốc hạt nhân, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng giúp kiểm soát việc phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như những công nghệ và thông tin liên quan đến loại vũ khí giết người hàng loạt này.

Cơ chế hội nghị giữa 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an nhằm xem xét việc thực hiện NPT, được tổ chức lần đầu tiên tại London (Anh) năm 2009, tiếp đó tại Paris (Pháp) năm 2011 và Washington (Mỹ) năm 2012.

Các vấn đề thảo luận tại các hội nghị này sẽ được xem xét kỹ hơn tại các phiên họp của Ủy ban chuẩn bị cho Hội nghị toàn cầu năm 2015 đánh giá hiệu lực của NPT./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục