Triển vọng năng lượng hạt nhân sau vụ Fukushima

Theo ROSATOM, sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima 1 không thể làm giảm triển vọng phát triển năng lượng nguyên tử trên thế giới.
Ngày 4/6, Triển lãm AtomExpo 2012 đã chính thức khai mạc tại Mátxcơva, với sự tham gia của hơn 500 công ty đến từ 53 quốc gia.

Triển lãm AtomExpo 2012, kéo dài đến ngày 6/6, được tổ chức theo các chủ đề như thiết kế và xây dựng các nhà máy điện nguyên tử; sự an toàn của các nhà máy điện nguyên tử; các dự án công nghệ hạt nhân mới; chu trình nhiên liệu hạt nhân; xử lý rác thải phóng xạ.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga ROSATOM Sergei Kirienko nhấn mạnh sự cố hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima số 1 của Nhật Bản hồi tháng 3/2011 không thể làm giảm triển vọng phát triển năng lượng nguyên tử trên thế giới.

Ông Kirienko cho biết kể từ thời điểm đó đến nay, đã có 10 dự án lớn về năng lượng hạt nhân được hoạch định, trong đó có ba dự án sử dụng công nghệ của Nga, năm dự án đã bắt đầu được triển khai. Ông cảm ơn các quốc gia, trong đó có Việt Nam, về sự tin tưởng đối với công nghệ hạt nhân của Nga.

Bên cạnh triển lãm còn diễn ra Diễn đàn quốc tế AtomExpo 2012 với chủ đề "Năng lượng nguyên tử thế giới: Một năm sau Fukushima." Trong buổi tọa đàm "Năng lượng nguyên tử sau Fukushima dưới con mắt của những người đang khai thác," các diễn giả đã tập trung vào các vấn đề về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, thực hiện luật về chất thải phóng xạ, luật quốc tế về an toàn hạt nhân; tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; thiết kế chất lượng cao để đảm bảo an toàn hạt nhân...

Tại Diễn đàn AtomExpo 2012, có nhiều hiệp định, nghị định thư, hợp đồng được ký kết giữa ROSATOM với các đối tác nước ngoài.

ROSATOM là đối tác trong dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam có tổng công suất 4.000 MW dự kiến được xây dựng ở tỉnh Ninh Thuận./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục