Bất ổn đang lan rộng

Bất ổn lan ra ở nhiều nước Trung Đông, Bắc Phi

Hàng ngàn người chống chính phủ tại các nước Libya, Bahrain, Jordan biểu tình kêu gọi cải cách, giảm nghèo và chống tham nhũng.
Ngày 17/2, các cuộc biểu tình dự kiến diễn ra tại nhiều nơi ở Libya trong "Ngày nổi giận" nhằm phản đối chính quyền của Tổng thống Muamer Kadhafi, nhà lãnh đạo đã cầm quyền hơn 40 năm qua ở nước này. Ước tính, khoảng 9.600 người sẽ tham gia biểu tình.

Trước đó, xung đột đã xảy ra giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình ở Benghazi, thành phố lớn thứ hai ở Libya, làm gần 40 người bị thương, trong đó có 10 nhân viên an ninh.

Nhằm xoa dịu tình hình, chính quyền Libya ngày 16/2 đã trả tự do cho 110 thành viên Nhóm đấu tranh Hồi giáo Libya (LIFG).

Theo giới phân tích, mặc dù một số người biểu tình Libya tỏ ra không hài lòng về tình trạng thất nghiệp và sự bất bình đẳng trong xã hội, song các hoạt động chống đối tương tự như ở Ai Cập và Tunisia khó có thể xảy ra tại Libya do chính phủ nước này có thể sử dụng các nguồn thu từ dầu mỏ để giải quyết hầu hết các vấn đề xã hội.

Trong khi đó, tại Bahrain, ít nhất hai người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương khi lực lượng an ninh dùng hơi cay giải tán những người biểu tình tại quảng trường ở trung tâm thủ đô Manama tối 16/2.

Rạng sáng 17/2, quảng trường đã có dấu hiệu trở lại yên tĩnh, trong khi các sĩ quan cảnh sát đang tiến hành thẩm vấn một số đối tượng liên quan.

Hàng nghìn người biểu tình đã chiếm giữ quảng trường trên từ ngày 15/2 sau khi hai thanh niên người Hồi giáo dòng Shiite bị thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ. Những người biểu tình hô các khẩu hiệu đòi thay đổi chế độ và thiết lập "một nền quân chủ lập hiến mới" ở Bahrain.

Bộ Ngoại giao Bahrain cho biết, những người nghi ngờ gây ra cái chết của hai thanh niên trên đã bị bắt giữ, trong khi Bộ Nội vụ cam kết sẽ có biện pháp trừng phạt thích đáng nếu phát hiện cảnh sát sử dụng vũ lực không hợp lý đối với người biểu tình.

Trong nỗ lực làm dịu tình hình, Quốc hội Bahrain dự kiến triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong ngày 17/2, đặc biệt sau khi phe đối lập người Shiite, chiếm 18 trong tổng số 40 ghế Quốc hội, tuyên bố không trở lại nghị trường cho tới khi chính quyền đáp ứng các yêu sách của người biểu tình.

Trong một diễn biến khác tại Yemen, số người thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình chống chính phủ ở thành phố cảng Aden ở miền Nam đã tăng lên hai người, trong khi bảy người bị thương.

Đụng độ xảy ra ngày 16/2 khi khoảng 3.000 người biểu tình tìm cách xông vào trụ sở hội đồng quận Al-Mansoura ở Aden.

Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh cho rằng, những người biểu tình đòi ông từ chức là "những phần tử đảo chính."

Trước đó, ông Saleh, người đã cầm quyền hơn 30 năm, đã tuyên bố không ra tranh cử tổng thống sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2013, đồng thời cam kết không chuyển giao quyền lực cho con trai.

Ông Saleh nhấn mạnh lực lượng nào muốn lên nắm quyền ở nước này cần thông qua các cuộc bỏ phiếu, chứ không phải bằng cách biểu tình trên đường phố.

Còn tại Jordan, ngày 16/2, khoảng 1.500 người biểu tình đã xuống đường biểu tình tại thành phố Irbid ở miền Bắc kêu gọi cải cách, giảm nghèo đói và tăng cường nỗ lực chống tham nhũng. Những người biểu tình cũng đòi sửa đổi hiến pháp, ban hành luật bầu cử mới và thực hiện các chương trình cải cách kinh tế.

Tại thủ đô Amman, một nhóm sinh viên đã biểu tình ngồi bên ngoài tòa án hoàng gia, kêu gọi hạn chế quyền lực của Quốc vương Abdullah II.

Trong khi đó, tại Iraq, khoảng 2.000 người biểu tình đã tấn công các cơ quan chính quyền tỉnh Wasit ở miền Nam. Xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh ngày 16/2 tại thành phố Kut thuộc tỉnh này làm hai người thiệt mạng và 55 người bị thương. Những người biểu tình phản đối tình trạng thiếu các dịch vụ công cộng, tỷ lệ thất nghiệp cao và giá cả tăng.

Trước đó, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba sau khi nhiệm kỳ hiện nay của ông kết thúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục