Gần 68.000 dân Phú Yên ở vùng ảnh hưởng lũ lụt

Tỉnh Phú Yên hiện có gần 68.000 người dân sống trong vùng ảnh hưởng lũ lụt, sạt lở, lũ quét, triều cường trong mùa mưa bão năm 2011.
Ngày 23/8, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cựu nạn tỉnh Phú Yên, ông Lê Văn Trúc đã công bố thống kê, toàn tỉnh có gần 68.000 người dân sống trong vùng ảnh hưởng lũ lụt, sạt lở, lũ quét, triều cường trong mùa mưa bão năm 2011.

Gần 68.000 người dân trên thuộc hơn 17.200 hộ tại 265 xóm, khu phố, thôn buôn, dải bờ biển…của 83 phường, xã, thị trấn ở cả 9 huyện, thị xã, thành phố của Phú Yên; trong đó, có hơn 7.000 hộ với gần 29.500 nhân khẩu cần được sơ tán mỗi khi có bão và triều cường uy hiếp. Ngoài ra, Phú Yên có hơn 7.000 tàu thuyền hành nghề đánh bắt trên biển.

Theo dự báo của ngành chức năng, mùa mưa bão năm nay tại Phú Yên sẽ bắt đầu từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 12/2011. Ông Lê Văn Trúc cho biết, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2011 tại Phú Yên vẫn còn rất nhiều khó khăn như: thiếu phương tiện cứu hộ, những phương tiện cứu hộ của các lực lượng hiện nay lại thiếu kinh phí sửa chữa; còn nhiều nơi chưa thực hiện tốt phương án "4 tại chỗ"…

Bên cạnh đó, vấn đề gây bức xúc dư luận tại Phú Yên mỗi mùa mưa bão là việc xả lũ của các công trình thủy điện.

Trên địa bàn tỉnh có 3 công trình thủy điện chính đều trên lưu vực sông Ba là Krông H’Năng, Sông Ba hạ và Sông Hinh. Nếu xả lũ, công trình thủy điện Krông H’Năng sẽ xả vào hồ chứa của công trình thủy điện Sông Ba hạ. Lưu lượng xả lũ tối đa của 2 công trình Sông Ba hạ và Sông Hinh lên tới gần 36.000m3/giây.

Thực tế, nếu lưu lượng lũ xả chỉ 4.000m3/giây, nhiều vùng đất sản xuất của người dân dọc sông Ba bị ảnh hưởng; lưu lượng lũ xả 6.000m3/giây thì nhiều vùng dân cư bị ngập; nếu lượng nước lũ xả trên 10.000m3/giây, cả thành phố Tuy Hòa và hàng loạt các địa phương khác bị ngập nặng. Chưa kể, công trình thủy điện An Khê-Ka nak (Gia Lai) lấy nước từ sông Ba và đưa nước vận hành vào sông Côn (Bình Định), nhưng khi xả lũ thì xả về sông Ba làm cho vấn đề xả lũ thủy điện trên lưu vực sông Ba vốn phức tạp, nay lại càng khó điều tiết.

Mặc dù đã có quy trình vận hành liên hồ chứa dành cho các công trình thủy điện trên lưu vực sông Ba, nhưng việc thực hiện quy trình này vẫn chưa quy củ. Các công trình thủy điện cũng chưa xây dựng bản đồ xả lũ hằng năm để tạo điều kiện di dời dân cư cho chính quyền các địa phương vùng xung yếu.

Trước hàng loạt những vấn đề khó khăn, phức tạp đó, ông Lê Văn Trúc đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Yên thực hiện quyết liệt chủ trương "4 tại chỗ" đến từng thôn, buôn, khu phố; người dân cũng cần nâng cao khả năng tự ứng phó với thiên tai để tránh những thiệt hại đáng tiếc. Riêng vấn đề vận hành xả lũ liên hồ chứa cần có những quy định thực hiện cụ thể và đồng bộ hơn./.

Ly Kha (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục