Biến đổi khí hậu kìm hãm tăng trưởng kinh tế TG

Biến đổi khí hậu do sự nóng lên của Trái Đất đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế thế giới và cướp sinh mạng hàng triệu người mỗi năm.
Biến đổi khí hậu do tình trạng nóng lên của Trái Đất đang kìm hãm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm.

Đây là lời cảnh báo được đưa ra trong báo cáo của Hội thảo "Giám sát tính dễ bị tổn thương do khí hậu" công bố ngày 18/10.

Theo bản báo cáo của trung tâm nghiên cứu DARA, hiện tượng nóng lên toàn cầu không chỉ dẫn đến thảm họa môi trường mà còn kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Báo cáo nhấn mạnh các giải pháp không hiệu quả trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến các nền kinh tế thế giới tổn thất 1,6% trong tổng số GDP toàn cầu, tương đương với 1,2 nghìn tỉ USD. Ước tính đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên gấp đôi, chiếm 3,2% GDP toàn cầu do nhiệt độ tăng cao và tình trạng ô nhiễm do cácbon ngày càng diễn biến nghiêm trọng.

Bản báo cáo đồng thời cảnh báo trong khi các nước nghèo đối mặt với những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng nhất, các nước phát triển cũng cùng "chung cảnh ngộ".

Theo bản báo cáo, trong vòng 20 năm tới, nếu không có các biện pháp hiệu quả, những tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến Trung Quốc sẽ bị tổn thất hơn 1,2 nghìn tỷ USD trong tổng số GDP, trong khi kinh tế Mỹ sẽ chịu tổn thất hơn 2% GDP và Ấn Độ là hơn 5% GDP mỗi năm.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý việc giải quyết hiệu quả các hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế quan trọng cho thế giới cũng như các nền kinh tế lớn và các quốc gia nghèo.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc diễn đàn biến đổi khí hậu, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã chỉ ra một viễn cảnh không mấy lạc quan cho đất nước đông dân này trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Theo bà Hasina, khi nhiệt độ tăng lên 1 độ C sẽ khiến năng suất nông nghiệp thất thoát 10%, tương đương 4 triệu tấn lương thực và 2,5 tỉ USD - chiếm khoảng 2% GDP.

Mặt khác, mực nước biển dâng cao 1m sẽ khiến 1/5 khu vực trũng của lãnh thổ Bangladesh chìm trong biển nước và buộc gần 30 triệu người dân phải sơ tán.

Viễn cảnh kinh hoàng này cũng sẽ xảy ra đối với các quốc đảo nhỏ đang phát triển như Maldives, Kiribati và Tuvalu.

Trong khi đó, Cựu Tổng thống Costa Rica Jose Maria Figueres nhấn mạnh vẫn còn rất nhiều cơ hội để chính phủ các nước hướng đến một nền kinh tế carbon thấp, giảm các tác động tiêu cực đến môi trường.

Một số nghiên cứu cho thấy các nền kinh tế carbon cao là tác nhân chính cướp đi sinh mạng của 5 triệu người mỗi năm với 90% trong số ca tử vong là do ô nhiễm không khí.

"Giám sát tính dễ bị tổn thương do khí hậu" là một nghiên cứu trên quy mô toàn cầu về tác động của biến đổi khí hậu đối với cộng đồng trên thế giới.

Nghiên cứu tập trung các ảnh hưởng ngắn hạn (2010 -2030) và những tổn hại kinh tế-xã hội như thương vong, thời tiết cực đoan, mất tài nguyên thiên nhiên hay thiệt hại kinh tế trong các ngành công nghiệp chủ chốt như nông nghiệp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục