Người nghệ nhân tâm huyết đan tranh Bác Hồ

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung ở làng nghề Phú Vinh, Hà Nội có lẽ là người thành công nhất trong việc thể hiện chân dung Bác bằng đan mây.
Hình ảnh Bác Hồ đã được các hoạ sỹ trong và ngoài nước thể hiện rất nhiều; các nghệ nhân cũng đã từng thể hiện chân dung Bác trên nhiều chất liệu truyền thống như tranh tre, thảm len, gốm sứ…

Nhưng thể hiện chân dung Bác bằng đan mây thì mới chỉ có ở làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội mà nghệ nhân Nguyễn Văn Trung có lẽ là người thành công nhất.

Đã ở tuổi 56, có thâm niên mấy chục năm với nghề đan tre mây này nhưng ông Trung cho rằng, những bức tranh Bác Hồ đan bằng mây mới là tài sản lớn nhất của đời ông. Những sợi mây thô cứng qua bàn tay tài hoa của ông trở nên óng chuốt và tạo thành các tác phẩm mang tính nghệ thuật cao với những đường nét rất tinh tế.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung cho biết, gần 200 bức tranh chân dung Bác do chính tay ông thể hiện đều vào thời gian sau khi Bác mất. Nhiều người đến đặt ông đan chân dung Bác để đặt lên bàn thờ hoặc tặng cho người thân.

Ông Trung tâm sự: “Thể hiện chân dung Bác rất khó, mà khó nhất là thể hiện đôi mắt của Bác. Làm sao vừa thể hiện đúng đôi mắt sáng, tinh anh của Người nhưng lại phải phù hợp với từng hoàn cảnh.

Chân dung Bác để thờ thì đôi mắt hiền từ, sâu thẳm, tình cảm. Nhưng vẫn hình ảnh Bác, trong bức tranh đang hành quân thì đôi mắt lại nhìn thẳng phía trước, thể hiện một một tinh thần kiên quyết, cương nghị, một ý chí không gì lay chuyển; còn với bức chân dung Bác ngồi trên chiếc ghế mây thì ánh mắt lại xa xăm nhớ đến đồng bào miền Nam...

Trước khi đan chân dung Bác, tôi phải thật tập trung nghe những yêu cầu của khách hàng. Lại còn phải tìm đọc những bài báo viết về xuất xứ những bức ảnh làm mẫu đó. Những yêu cầu đặt hàng rất cao, nhưng cao hơn hết là tấm lòng thành kính đối với Bác nên cứ mỗi lần được thể hiện hình ảnh Bác bằng chất liệu truyền thống của quê hương mình là tôi cảm thấy có cái gì đó thật khó tả, thật thiêng liêng. Vì vậy, khách hàng nào cũng hài lòng với bức chân dung mà tôi dành hết tâm huyết hoàn thành”.

Đến tận bây giờ ông Trung vẫn còn xúc động khi nói về kỷ niệm lần đầu tiên được thực hiện bức tranh “Bác Hồ trên đường đi công tác ở Pắc Bó” với kích thước 60x80cm. Ông kể: “Lúc đó, nhận được đơn đặt hàng, tôi lo lắm, không biết mình có hoàn thành được không. Tự tay tôi chọn từng sợi mây, chẻ, chuốt, phơi sấy... Chỉ cần một sơ suất nhỏ trong kỹ thuật phơi sấy là sẽ làm hỏng cả tác phẩm.

Suốt hai năm trời miệt mài suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, cuối cùng tôi đã hoàn thành và thành công vượt quá sự mong đợi. Bức tranh đó đã được trao Huy chương Vàng tại Hội chợ kinh tế kỹ thuật Việt Nam năm 1980. Và tôi vinh dự được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là nghệ nhân”.

Sinh năm 1953, lên bảy, tám tuổi Nguyễn Văn Trung đã được các cụ trong làng khen khéo tay, hay làm. Chẳng may năm 14 tuổi, Nguyễn Văn Trung bị một cơn bạo bệnh phải nằm liệt giường 3 năm liền. Với nghị lực phi thường, Trung đã tự tập luyện để tự ngồi dậy được.

Mẹ ông mừng rơi nước mắt khi thấy con mình lại bắt đầu chập chững tập đi sau những năm ròng vừa chăm cho con vừa nuốt nước mắt vào trong. Chẳng được lành lặn như chúng bạn, chân phải của ông đã bị co rút lại nên đi lại rất khó khăn.

Nhưng vượt qua mặc cảm, tự ti, Nguyễn Văn Trung lại ngồi đan được những chiếc rổ, chiếc rá, làn mây truyền thống như trước đây. Anh vẫn đau đáu phải làm gì đó để báo đáp lại công ơn người sinh thành ra anh hai lần.

Cứ thế, ngày này sang tháng khác, mỗi sản phẩm của ông làm ra đều mang tính nghệ thuật cao. Bước ngoặt đầu tiên hướng cuộc đời ông gắn bó với những sợi mây óng chuốt là vào năm 1973, khi ông giật giải nhất trong cuộc thi tay nghề của làng tự tổ chức mỗi năm một lần.

Sau đó, ông được bầu vào Ban quản lý Hợp tác xã mây tre đan Phú Vinh phụ trách kỹ thuật. Vị trí này giúp ông có nhiều cơ hội truyền nghề không chỉ cho người trong làng mà bất kể người xã nào đến học.

Thế nhưng mãi đến năm 2007, sau nhiều năm ra nước ngoài làm chuyên gia cũng như tự đi tiếp thị, tìm thị trường, bán hàng, ông mới thực hiện được ước mơ của mình, đó là thành lập Trung tâm dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh. Đến nay, hơn 500 học viên đã được đào tạo qua Trung tâm, trong đó có nhiều em khuyết tật.

Ông tâm sự: “Bản thân mình cũng là người khuyết tật nên rất thông cảm với những người có số phận không may mắn. Vì vậy những người khuyết tật đến đây học đều được miễn phí. Nếu họ có nhu cầu ở lại công ty làm việc, mình sẵn sàng tiếp nhận”.

Giới thiệu bức chân dung Bác kích thước 2,1x1,6m đặt nơi trang trọng trong nhà xưởng của mình, ông Trung cho biết, đây là bức chân dung Bác lớn nhất do tự tay ông làm, hoàn thành vào đúng dịp 115 ngày sinh của Bác (tháng 5/2005) và được Bộ Văn hóa – Thông tin lúc đó mượn để rước diễu hành quanh Bờ Hồ nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của Người.

“Với tôi, bức chân dung này rất có ý nghĩa. Tôi muốn mỗi công nhân của công ty tôi lúc nào cũng như thấy Bác ở bên” - anh xúc động nói./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục