Bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng cao

Hà Nội đang “đỉnh dịch” sốt xuất huyết, số bệnh nhân nhập viện tăng 14,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng người dân vẫn chủ quan.
Hà Nội đang ở “đỉnh dịch” sốt xuất huyết, số bệnh nhân nhập viện tăng vọt, gấp 14,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên không ít người dân Hà thành vẫn chủ quan, không hợp tác với nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch.

"Đỉnh dịch” sốt xuất huyết vào tháng 10 và 11

Theo Thạc sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Trưởng khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và vắcxin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện nay Hà Nội đang ở “đỉnh” dịch sốt xuất huyết, dự kiến dịch sẽ kéo dài đến tháng 11 và sau đó sẽ giảm dần. Do đó, số các ca mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng cao.

Thạc sĩ Cảm cho biết dịch sốt xuất huyết thường có tính chu kỳ. Chu kỳ ngắn từ 3 - 5 năm và chu kỳ dài là từ 5 - 10 năm, lại xảy ra một vụ dịch lớn.

Năm 1998, Hà Nội đã có 1 vụ dịch lớn, vì vậy năm nay nằm vào chu kỳ tăng của dịch. Tiên lượng được nên ngay từ đầu năm, ngành y tế đã lên kế hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng bố trí thêm kinh phí để tổ chức phun hóa chất diện rộng và thực hiện các chiến dịch diệt bọ gậy, nhằm hạn chế số ca mắc.

Bên cạnh việc chủ động của ngành y tế, hoạt động chống dịch vẫn gặp khó khăn do 10 - 20% hộ gia đình vắng nhà; đặc biệt, có nhiều hộ gia đình không hợp tác, không cho nhân viên y tế vào nhà để phun thuốc diệt muỗi.

Câu nói mà nhân viên dự phòng thường gặp là “Chẳng biết có diệt được muỗi không chứ mùi thuốc ngửi vào thì ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Thạc sĩ Cảm tâm sự: “Muốn điều tra, phát hiện các ổ bọ gậy, cán bộ y tế thường phải đi cùng cán bộ tổ dân phố nhưng chẳng phải lúc nào cũng vào được nhà dân; trong khi đó, người dân lại không nhận thức đầy đủ về dịch sốt xuất huyết và cách phòng dịch. Ổ bọ gậy của một ổ dịch rất có thể nằm trong chậu cây cảnh, hoặc lọ hoa chưa đổ nước của một tòa nhà 5 tầng đẹp đẽ nhưng nhiều người không biết điều này”.

Bên cạnh đó, do người dân hiện vẫn hiểu sai về tác dụng của phun hóa chất, nên chủ quan. “Hóa chất diệt muỗi không có tác dụng lâu dài, chỉ là hình thức “chữa cháy” khi đã có người bệnh. Khi đó, phun hóa chất là để diệt đàn muỗi có virus gây sốt xuất huyết, để tránh dịch tiếp tục lây lan, nếu người dân không diệt hết ổ bọ gậy, chúng lại nở ra muỗi, lại nhiễm virus và tiếp tục truyền bệnh”, Thạc sĩ Cảm khuyến cáo.

Một mùa dịch, có thể mắc sốt xuất huyết 2 lần

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, một người đã mắc sốt xuất huyết vẫn có thể tiếp tục mắc lại và bệnh có thể nặng hơn nếu nhiễm type virus khác so với lần đầu. Sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh là D1, D2, D3, D4.

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội hiện nay do 2 loại virus là D1, D2 gây ra. Type D1 là type cổ điển, biểu hiện lâm sàng nhẹ như mệt mỏi đau cơ, nhức đầu mệt mỏi, xuất huyết ít, nhanh khỏi.

Sau lần mắc này, trong người bệnh nhân sẽ có kháng thể với huyết thanh D1, nhưng bệnh nhân vẫn có thể mắc sốt xuất huyết do type huyết thanh khác. Lúc này, trong cơ thể tồn tại song song 2 loại kháng thể có thể xảy ra sự xung đột giữa 2 kháng thể nên gây phản ứng, tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, bệnh nhân choáng, xuất huyết, trụy tim mạch… Vì vậy bệnh nhân có bệnh nặng hơn, gây khó khăn trong công tác điều trị.

Để tránh những biến chứng nặng, bệnh nhân nghi mắc sốt xuất huyết chú ý từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 mắc bệnh, giai đoạn này sẽ xuất hiện những biến chứng, dễ dẫn đến hạ huyết áp, xuất huyết, suy chức năng các cơ quan.

Nếu người bệnh thấy dấu hiệu mệt nhiều, nôn nhiều, li bì hoặc bồn chồn, kích thích, đau bụng, đau gan, tức ngực khó thở, ho khan, đi tiểu ít  (từ 4 - 6 giờ không đi), chân tay lạnh, có những xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu lợi, chảy máu dưới da, nôn ra máu.... phải đến bệnh viện ngay.

“Ngay cả khi không có dấu hiệu này, đến ngày thứ 4 người bệnh cũng nên đến bệnh viện xét nghiệm lại, phát hiện dấu hiệu sớm”, các bác sĩ nhấn mạnh. Từ nay đến tháng 11, các ca mắc sốt xuất huyết có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Do đó, từng người dân nâng cao ý thức phòng dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng, chủ động diệt véctơ truyền bệnh-muỗi vằn, thường sống xung quanh nhà. Làm vậy, mới có thể tránh nguy cơ mắc bệnh và giúp ngành y tế dần “hạ nhiệt” dịch bệnh có thể gây chết người này./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục