Châu Á cần sự hợp tác để vượt qua các thách thức

Tại Hội nghị “Tương lai châu Á” lần thứ 17, các đại biểu nhất trí cần tăng cường hợp tác để cùng nhau vượt qua các thách thức.
Ngày 26/5, tại Hội nghị “Tương lai châu Á” lần thứ 17 do Nikkei và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) phối hợp tổ chức ở thủ đô Tokyo, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa các nước châu Á để cùng nhau vượt qua các thách thức mà châu lục này đang phải đối mặt.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Malaysia Mohd Najib bin Tun Abdul Razak nói: “Sức mạnh mới của các nền kinh tế châu Á được cảm nhận rõ ràng trong thời gian thế giới phục hồi phục sau cơn bão kinh tế toàn cầu - một sự phục hồi mà chúng ta có thể đi đầu bằng cách phối hợp với nhau và bằng cách sử dụng các nguồn lực của chúng ta một cách thông minh.”

Vì vậy, theo ông Najib, điều quan trọng là các nước châu Á tiếp tục hợp tác, bao gồm hợp tác thông qua cấu trúc khu vực hiện nay của chúng ta và thông qua các định chế để đảm bảo rằng chúng ta sẽ trở thành một đối thủ mạnh hơn trong nền kinh tế thế giới.

Thủ tướng Najib nhấn mạnh: “Sự hợp tác liên tục và điều quan trọng hơn là liên lạc với nhau sẽ cực kỳ quan trọng nếu châu Á muốn vượt ra ngoài mục tiêu hội nhập kinh tế đơn thuần và hướng tới việc xây dựng một cộng đồng khu vực.”

Bên cạnh đó, ông Najib cũng kêu gọi tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực như ASEAN+3 hay Diễn đàn Khu vực ASEAN trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực sâu hơn và và bền vững hơn.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Chúng ta đang lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới thì xảy ra thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản. Tác động của nó lên Nhật Bản - một trong những nền kinh tế đầu tàu của châu Á là vô cùng to lớn. Ảnh hưởng của sự kiện thiên tai này lan rộng trên nhiều lĩnh vực - kinh tế, thương mại, an sinh xã hội, môi trường. Tác động này cũng vượt ra ngoài biên giới quốc gia.”

Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng “việc tăng cường khả năng thích nghi và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời với việc tìm kiếm và chuyển dần sang một mô hình phát triển kinh tế bền vững là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi quốc gia và cả khu vực.”

Trong khi đó, Tổng Thư ký ASEAN Pitsuwan nhấn mạnh mối quan hệ tương hỗ giữa Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á. Ông nói: “Năm 2010, ASEAN đã trở thành đối tác kinh tế lớn thứ 2 của Nhật Bản sau Trung Quốc, trong khi Nhật Bản đã trở thành đối tác lớn thứ 2 của ASEAN sau Liên minh châu Âu (EU). Và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần.”

Tổng Thư ký Pitsuwan nói trước thảm họa ngày 11/3, ASEAN đã hy vọng các dòng vốn chảy từ Nhật Bản vào ASEAN sẽ ngày càng lớn do đồng yên tăng giá và giá cả hàng hóa tăng ở Nhật Bản sẽ khuyến khích các dòng vốn từ Nhật Bản chảy vào ASEAN. Thảm họa này đã gây ra cú sốc và sự lưỡng lự.

Tuy nhiên, ông Pitsuwan bày tỏ tin tưởng rằng sự phục hồi và tăng trưởng của Nhật Bản chắc chắn sẽ có liên hệ với các hoạt động đầu tư và thương mại (giữa Nhật Bản) với các nước thành viên ASEAN.

Cùng chung quan điểm với Tổng Thư ký Pitsuwan, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Korn Chatikavanij cho rằng các sự kiện ở Nhật Bản cho thấy sự cần thiết của việc kết nối mạnh mẽ hơn trong khu vực châu Á.

Ông kêu gọi phát triển các liên kết giao thông trong khu vực như kế hoạch kết nối các tuyến đường sắt cao tốc giữa Trung Quốc, Lào, Thái Lan thông qua Malaysia cũng như tự do hóa luật pháp và quy định.

Với chủ đề “Quan hệ mạnh mẽ hơn và tăng trưởng cao hơn: Các chìa khóa để vượt qua các thách thức của châu Á,” hội nghị này có sự tham dự của Thủ tướng Malaysia Mohd Najib bin Tun Abdul Razak, Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Surin Pitsuwan và các quan chức cao cấp của một số nước châu Á như Singapore, Thái Lan và Nhật Bản, cùng với các học giả và các chuyên gia kinh tế châu Á, Mỹ và New Zealand.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những thách thức mà nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 ở Nhật Bản và các biện pháp để tái thiết và duy trì tăng trưởng kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về vai trò của an ninh khu vực./.

Thanh Tùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục