Giá cổ phiếu trên thị trường châu Á bật tăng mạnh

Giá cổ phiếu tại châu Á bật tăng mạnh sau khi Eurozone nhất trí cấp cho Tây Ban Nha khoản vay trị giá 100 tỷ euro để cứu các ngân hàng.
Giá cổ phiếu trên thị trường châu Á bật tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 11/6, sau khi các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) cuối tuần qua nhất trí cấp cho Tây Ban Nha khoản vay trị giá 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để cứu các ngân hàng đang chật vật với số nợ xấu, xua tan phần nào nỗi lo về nguy cơ sụp đổ của hệ thống tài chính nước này.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 1,9%, trên đà tăng điểm mạnh nhất trong ngày trong gần năm tháng.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 451,29 điểm, hay 2,44%, lên 18.953,63 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 165,64 điểm, hay 1,96%, lên 8.624,9 điểm.

Chỉ số weighted của Đài Loan tăng 120,58 điểm, hay 1,72%, lên 7.120,23 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 31,4 điểm, hay 1,71%, lên 1.867,04 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 24,41 điểm, hay 1,07%, lên 2.305,86 điểm.

Khoản tiền mà Eurozone vừa nhất trí cấp cho Tây Ban Nha đã cho thấy sự nhượng bộ đáng kể của nước này, sau khi Madrid gần đây tuyên bố sẽ không cần đến bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài.

Cao ủy phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu Olli Rehn nói số tiền từ Eurozone sẽ giúp trấn an các thị trường đang hoảng loạn, khi phát đi một dấu hiệu rõ ràng là Eurozone sẵn sàng có những hành động cần thiết để xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư và ngăn chặn nguy cơ lây lan khủng hoảng nợ.

Tuy nhiên, tác động của việc Eurozone ra tay cứu nguy cho Tây Ban Nha sẽ không kéo dài, khi các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý đến cuộc bầu cử Quốc hội của Hy Lạp vào ngày 17/6 tới.

Đây là một sự kiện mà kết quả của nó sẽ quyết định việc Athens có buộc phải ra khỏi Eurozone hay không, điều nếu xảy ra sẽ đẩy tương lại của đồng tiền chung đến chỗ mờ mịt hơn.

Giới phân tích nhận định nhiệt tình mua vào của các nhà đầu tư đối với chứng khoán còn bị hạn chế bởi những vấn đề lớn hơn của Eurozone như nợ công cao và tăng trưởng thấp, những vấn đề sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều.

Chiến lược gia hàng đầu về đầu tư Takao Hattori ở Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities (Tokyo) cho rằng việc cấp tiền cứu trợ các ngân hàng Tây Ban Nha cho thấy các nhà hoạch định chính sách châu Âu muốn ngăn nguy cơ các vấn đề của Eurozone gây ra tình trạng biến động mạnh trên các thị trường tài chính toàn cầu và đe dọa đến kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, hiện có nhiều điều vẫn chưa rõ rằng như việc các quỹ cứu trợ cấp tiền cho các ngân hàng Tây Ban Nha, kết quả bầu cử tại Hy Lạp cũng như tình hình tại các nước ngoại vi như Italy.

Tại Italy, nợ công tiếp tục tăng lên, trong lúc tăng trưởng kinh tế trì trệ, dẫn tới lo ngại việc nước này kêu gọi cứu trợ chỉ là vấn đề thời gian.

Ngoài những thông tin tích cực đến từ châu Âu, các số liệu kinh tế tháng Năm mà Trung Quốc công bố cuối tuần qua cũng đã góp phần hỗ trợ các tài sản rủi ro.

Kim ngạch nhập khẩu các loại hàng hóa chủ chốt của Trung Quốc đã không giảm như dự đoán, với nhập khẩu dầu thô đạt mức cao kỷ lục, còn nhập khẩu đồng và quặng sắt tăng trên 10%.

Bên cạnh đó, xuất khẩu và nhập khẩu của nước này tăng tương ứng 15,3% và 12,7%, lạm phát giảm xuống 3%, còn sản lượng công nghiệp tăng 9,6%.

Những số liệu này cho thấy các nhà hoạch định chính sách có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, sau khi hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ cuối năm 2008./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục