Al-Houthis đồng ý đối thoại với chính phủ Yemen

Lực lượng Hồi giáo dòng Shiite đã đồng ý tham gia vào cuộc đối thoại dân tộc nhằm giải quyết những bất đồng chính trị tại Yemen.
Theo Tân Hoa xã, hãng thông tấn nhà nước Saba đưa tin lực lượng Hồi giáo dòng Shiite ở Yemen đã đồng ý tham gia vào cuộc đối thoại dân tộc nhằm giải quyết những bất đồng chính trị tại quốc gia này.

Theo nguồn tin, thủ lĩnh nhóm al-Houthis ở tỉnh miền Bắc Saada, Abdulmalik al-Houthi đã nói với phái đoàn do Tổng thống Abd- Rabbu Mansour Hadi phái đi rằng ông đồng ý tham gia vào cuộc đối thoại hòa giải sắp tới, vốn là một phần trong thỏa thuận chuyển giao hòa bình do Tổ chức Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) làm trung gian.

Ông Abdulmalik được dẫn lời nói: "Chúng tôi sẽ tham gia vào cuộc đối thoại... để giải quyết những bất đồng trong nước và nhằm đặt được các mục tiêu của cuộc cách mạng quần chúng hòa bình."

Lực lượng al-Houthis, đang kiểm soát hầu hết các khu vực ở Saada, đã ký một thỏa thuận ngừng bắn với Chính phủ Yemen hồi tháng 8/2010, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến không liên tục từ năm 2004.

Trong khi đó, đặc phái viên Liên hợp quốc tại Yemen Jamal Benomar cho biết những nỗ lực của chính quyền mới tại Sanaa nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển giao dân chủ đang bị đe dọa nghiêm trọng do hoạt động chống phá của các chân rết mạng lưới khủng bố quốc tế  al-Qaeda tại đây, vốn đang nuôi ý định tấn công các mục tiêu của phương Tây.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 29/5, ông Benomar cho biết mặc dù Tổng thống Yemen Abdrabuh Mansur Hadi thể hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình, song sự chuyển giao ở Yemen đang diễn ra "trong bối cảnh rất đáng lo ngại về an ninh cùng với một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có và nhiều xung đột chưa được giải quyết".

Một nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình chuyển giao này là hoàn thành việc xây dựng Hiến pháp vào cuối năm 2013 tạo tiền đề thực hiện thành công cuộc tổng tuyển cử vào tháng 2/2014.

Đồng thời, Tổng thống Hadi phải tái cơ cấu lại các lực lượng an ninh đầy quyền lực là nhóm trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, thúc đẩy tiến trình đối thoại dân tộc, nhất là với phong trào ly khai miền Nam, nhóm tôn giáo thiểu số ở miền Bắc và các nhóm đối lập khác.

Trong khi đó, khủng hoảng nhân đạo tại Yemen đang ngày càng nghiêm trọng. Khoảng 10 triệu người (chiếm gần nửa dân số nước này) đang bị đói và gần 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng.

Năm triệu người dân Yemen đang cần sự trợ giúp nhân đạo khẩn cấp, tuy nhiên các nhà tài trợ mới chỉ đáp ứng 43% trong tổng số 455 triệu USD cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục