Các tổ chức xã hội dân sự góp ý Dự thảo Hiến pháp

Hội thảo “Kiến nghị của các tổ chức xã hội dân sự cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp” đã được tổ chức tại Hà Nội với nhiều ý kiến góp ý.
Ngày 7/3, tại Hà Nội, Nhóm công tác vì sự tham gia của người dân (PPWG) và Nhóm hợp tác thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính công (GPAR) tổ chức hội thảo “Kiến nghị của các tổ chức xã hội dân sự cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp” nhằm lấy ý kiến đóng góp và kiến nghị từ nhóm các tổ chức xã hội dân sự (CSO) cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với các nội dung liên quan đến sự phát triển của xã hội dân sự, đặc biệt về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, biểu tình.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất với chủ trương sửa đổi Hiến pháp 1992 là phù hợp với tình hình đất nước trong thời kỳ mới và bối cảnh khu vực và trên thế giới đang có nhiều thay đổi, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sát thực tiễn vào nội dung của Dự thảo Hiến pháp, trong đó các đại biểu tập trung vào các vấn đề như lời nói đầu, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền tự do ngôn luận...

Ông Lê Quang Bình, đại diện PPWG cho rằng Hiến pháp của một chế độ dân chủ cần dựa trên ý chí của nhân dân, bảo vệ các quyền tự do của người dân, cũng như hạn chế được sự lạm dụng của cơ quan công quyền.

Bản Dự thảo Hiến pháp do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 công bố ngày 2/1/2013 cần hội đủ ba yếu tố cơ bản được hiến pháp bảo đảm là phản ánh đúng chức năng của một hiến pháp dân chủ, bảo đảm quyền lập hiến thuộc về toàn dân; bảo đảm các quyền tự do, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp; ngoài ra có các cơ chế hiến định để xử lý những vi phạm đối với các quyền này.

Theo ông Nguyễn Vi Khải, Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề Phát triển (VIDS), Hiến pháp 1992 nhìn từ điểm xuất phát năm 1946, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã có nhiều thay đổi, số lượng điều rút bớt từ 147 còn 113 và thêm 11 điều mới, chỉnh sửa 103 điều, giữ nguyên 10 điều, song cần làm rõ quyền con người và quyền công dân, vì quyền con người ghi nhận rất chung chung, thiếu ý cơ bản.

Theo ông Khải, “Điều 21: Mọi người có quyền sống” mọi người vẫn đang sống, vấn đề là sống như thế nào. Dự thảo thiếu nhiều nội dung cơ bản về Quyền được sống, Quyền được tồn tại, Quyền được phát triển, Quyền được đóng góp ý kiến và Quyền được mưu cầu hạnh phúc, nên cần bổ sung cho đầy đủ các quyền con người đã cam kết.

Bên cạnh đó, các quyền khác cũng chỉ dừng lại việc nêu lên và kèm theo cụm từ “theo quy định của pháp luật” mặc nhiên xóa bỏ điều đó nếu không ban hành luật hoặc có văn bản dưới luật trái với Hiến pháp.

“Điều 24 (giữ nguyên Điều 68): Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật”; “Điều 26 (sửa đổi bổ sung Điều 69): Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật” cần bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật.”

Ông Nguyễn Trung, nguyên thành viên Ban nghiên cứu Chính phủ đã chỉ ra một thiếu hụt của Hiến pháp 1992 mà Dự thảo vẫn chưa khắc phục. Đó là Dự thảo thiếu quy định về một cơ quan với nhiệm vụ chuyên trách là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Việc thiếu hụt các cơ chế bảo vệ quyền con người là một hạn chế rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức xã hội dân sự bảo vệ các quyền con người, nhất là các quyền dân sự và chính trị còn rất ít.

Hiến pháp cần bổ sung quy định cơ quan này với vị trí độc lập cao, bằng các quy định thành phần sẽ bao gồm những thành viên độc lập từ các tổ chức xã hội. Việc bổ sung quy định về Ủy ban quốc gia về quyền con người là phù hợp với các chuẩn mực quốc tế (đặc biệt là "Các nguyên tắc về địa vị của cơ quan nhân quyền quốc gia." Quy định này có thể đặt trong Chương II (quyền con người) hoặc Chương X (các cơ quan hiến định độc lập) của Hiến pháp./.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục