Giới chức ngoại giao phương Tây đổ đến Thụy Sĩ

Một loạt các nhà ngoại giao của phương Tây đã xuất hiện tại Geneva trong ngày 8/11, ngày đàm phán thứ hai giữa Nhóm P5+1.

Một loạt các nhà ngoại giao hàng đầu của phương Tây xuất hiện tại Geneva (Thụy Sĩ) trong ngày 8/11, ngày đàm phán thứ hai giữa Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức) với Iran, dường như là dấu hiệu về khả năng tiến trình đàm phán hạt nhân Iran có thể đạt được một thỏa thuận bước ngoặt.

Tuy nhiên, bên cạnh những hy vọng, vẫn còn nhiều ý kiến về nguy cơ đàm phán sẽ lại rơi vào bế tắc khi các nhà ngoại giao hầu như không thể hiện nhiều sự lạc quan trong lần thương lượng này.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle đã có mặt tại Geneva. Ngoại trưởng Anh William Hague cũng cho biết ông sẽ đến Geneva trong ngày được coi là "lịch sử" này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kết thúc chuyến công du Israel và sẽ có mặt tại Geneva vào chiều cùng ngày và dự kiến gặp người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ không đến Geneva.

Tuy nhiên, mặc dù có những dấu hiệu về triển vọng các bên đạt được thỏa thuận, nhiều quan chức vẫn cảnh báo nguy cơ đàm phán lại thất bại. Ngoại trưởng Pháp Fabius khẳng định vẫn chưa có thỏa thuận cuối cùng và phương Tây muốn một thỏa thuận được đánh giá là câu trả lời thực sự của Iran đối với các mối quan ngại của phương Tây.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer nói rằng đây là một giai đoạn quan trọng song là giai đoạn khó khăn.

Các cuộc đàm phán lần hai về vấn đề hạt nhân Iran, dưới sự chủ trì của bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, bắt đầu từ ngày 7/11 và dự kiến kết thúc ngày 8/11. Ngày làm việc cuối cùng này hứa hẹn sẽ đạt được một thỏa thuận sơ bộ, kết quả của nhiều cuộc đàm phán bí mật diễn ra trong mấy tuần qua tại Geneva.

Trước khi bắt đầu ngày làm việc thứ hai, Ngoại trưởng Iran Zarif đã nhấn mạnh "đây là cơ hội duy nhất" mà Phương Tây cần tận dụng để giải quyết hồ sơ hạt nhân của nước này.

Theo nguồn thạo tin, thỏa thuận dự thảo sẽ bao gồm các nỗ lực của Iran ngừng chương trình hạt nhân trong sáu tháng để đổi lại viện trợ từ phương Tây. Các nhà đàm phán sau đó sẽ có thời gian để soạn thảo một thỏa thuận toàn diện mà Teheran hy vọng sẽ có hiệu lực trong vòng một năm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục