Indonesia tăng cường đa dạng hóa nguồn năng lượng

Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia đã đặt mục tiêu sản xuất 500 triệu phút khối tiêu chuẩn khí vỉa than mỗi ngày vào năm 2015.
Trong khuôn khổ nỗ lực đa dạng hóa việc sử dụng năng lượng của đất nước, Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia đã đặt mục tiêu sản xuất 500 triệu phút khối tiêu chuẩn khí vỉa than mỗi ngày (mmscfd) vào năm 2015, và để hoàn thành mục tiêu này Bộ đã mở thầu 8 dự án sản xuất khí vỉa than.

Tổng vụ trưởng dầu-khí, Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia, Evita Herawati Legowo, cho biết hiện sản lượng khí vỉa than (CBM) của Indonesia còn rất thấp và không có được con số chính xác, bởi hầu hết các dự án vẫn còn trong các giai đoạn thăm dò hoặc quá trình khử nước (bơm nước ra từ các giếng).

Theo bà Evita Herawati Legowo, Indonesia bắt đầu phát triển CBM từ năm 2008, khi hợp đồng đầu tiên được ký kết giữa công ty điện lực nhà nước PT PLN và Công ty Virginia Indonesia (Vico) để cung cấp điện từ cơ sở sản xuất CBM đầu tiên của đất nước tại Sangatta, Đông Kalimantan.

Giá CBM được thỏa thuận ở mức 7,5 USD cho mỗi mmbtu, cao hơn một chút hơn so với khí đốt tự nhiên thông thường có giá thường dao động từ 3-6 USD cho mỗi mmbtu. Tuy nhiên, giá CBM sẽ giảm, nếu sản xuất loại khí này được thực hiện trên quy mô lớn. Cứ mỗi 0,3 mmscfd CBM có khả năng tạo ra được 1 MW điện.

Tám dự án sản xuất khí vỉa than qua đấu thầu đã được trao cho các công ty trong nước là PR Bangkanai CBM Energi, Borneo Metana Energi, PT Bina Mandiri Energi, Energi Prima, PT Batu Raja Energi, PT Anugrah Persada Energi, PT Pertamina Hulu Energi, PT Sentosa Petrobara, PT PHE, PT Prima Gas Sejahtera và PT Unigas Geosinklikal Makmur, với tổng vốn đầu tư cam kết 39,4 triệu USD./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục