Hoạt động chế tạo toàn cầu trong tháng Mười khởi sắc

Hoạt động chế tạo trên toàn cầu trong tháng 10 khá sáng sủa khi sản lượng công nghiệp của Mỹ và Trung Quốc đều tăng mạnh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: gdpwatch.com)

Toàn cảnh bức tranh về hoạt động chế tạo trên quy mô toàn cầu tháng Mười vừa qua khá sáng sủa. Đặc biệt, sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng với tốc độ mạnh nhất trong hai năm rưỡi qua, trong khi các hãng chế tạo ở châu Á (đi đầu là Trung Quốc) cũng đạt mức tăng mạnh nhất trong nhiều tháng.

Chỉ số quản lý sức mua (PMI) cho thấy hoạt động công nghiệp của Mỹ "sung sức" hơn tiên lượng, bất chấp một số cơ quan công quyền nước này phải đóng cửa trong 16 ngày đầu của tháng 10/2013.

Theo Viện quản lý nguồn cung (ISM), chỉ số hoạt động công nghiệp của Mỹ tháng 10/2013 đạt 56,4, mức cao nhất kể từ tháng 4/2011 (trong khi con số của tháng 9/2013 là 56,2) và vượt cả mức dự báo 55 mà các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Anh Reuters đưa ra.

Tháng 10/2013 cũng là tháng thứ năm liên tiếp khu vực sản xuất hàng hóa của Mỹ đi lên.

Hoạt động chế tạo ở Canada cũng khả quan, với tốc độ tăng mạnh nhất trong hai năm rưỡi. Các nhà chế tạo ở Brazil lần đầu tiên trong bốn tháng đã nằm trong vùng tăng trưởng.

Tuy nhiên, các nhà máy ở Mexico vẫn trong tình trạng đình đốn. Trong khi đó, hoạt động chế tạo ở Anh đang tăng trưởng ổn định.

Hoạt động chế tạo của châu Á bị chi phối bởi nhu cầu của thị trường đối với hàng hóa xuất khẩu của khu vực. Thống kê về PMI ở châu Á cho thấy nhu cầu xuất khẩu đang tăng mạnh. PMI của thị trường Đài Loan đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2012. PMI của Indonesia đứng ở mức cao nhất trong bốn tháng và của Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong hơn ba năm.

Tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, lần đầu tiên kể từ tháng 5/2013, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu đồng loạt tăng. Theo các chuyên gia phân tích, thành quả trên có được một phần là nhờ kinh tế châu Âu đang dần phục hồi.

Một loạt thống kê về PMI cho thấy "sức khỏe" kinh tế toàn cầu đang dần cải thiện (mặc dù một số nền kinh tế chủ chốt ở châu Âu phải sang tuần tới mới công bố số liệu này).

Đáng chú ý là trong tháng 10/2013, hoạt động công nghiệp Trung Quốc tăng với tốc độ mạnh nhất của 18 tháng. Theo thống kê chính thức, PMI của Trung Quốc tháng 10/2013 đạt 51,4 điểm, so với 51,1 của tháng trước đó, trong khi con số dự báo là 51,2.

Thống kê khả quan về PMI của Trung Quốc đã giúp hạn chế đà đi xuống của chứng khoán châu Á. Các sàn chứng khoán ở khu vực này đang bị sức ép lớn sau khi những thống kê kinh tế phát đi từ Mỹ làm gia tăng phỏng đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm thu hẹp chương trình kích thích kinh tế hiện hành.

Radhika Rao, chuyên gia phân tích của DBS, nhận định: "Nhìn chung, các con số đều cho thấy nhu cầu của thị trường thế giới khá tích cực. Có nhiều lý do để lạc quan, nhưng vẫn cần phải thận trọng."/.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục