40 lao động Việt ở Malaysia đã lên đường về nước

Tối 10/4, 40 lao động Việt Nam trong tổng số 52 lao động tại Malaysia có nguyện vọng về nước đã lên đường trở về Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, tối 10/4, 40 lao động Việt Nam trong tổng số 52 lao động tại Malaysia có nguyện vọng về nước đã lên đường trở về Việt Nam sau những nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng Việt Nam và nước sở tại. Trước khi ra sân bay, toàn bộ 52 lao động (gồm 49 nữ và 3 nam) đã được công ty Asmana trả toàn bộ tiền lương cơ bản từ tháng Hai đến ngày về nước, tiền làm thêm giờ tháng Một và tháng Hai cùng các khoản phụ khác. Công ty Asmana cũng mua vé máy bay cho những lao động về nước. Các lao động đều tỏ ra phấn khởi, tinh thần tốt, nhiều người cũng mong muốn được quay lại làm việc tại Malaysia. Chứng kiến việc thanh toán nợ lương và các khoản phụ cho công nhân Việt Nam có Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia - ông Trịnh Vinh Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Lê Văn Thanh, đại diện Cục Lao động Malaysia và Công ty Asmana. Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Malaysia, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Lê Văn Thanh cho biết để đưa được lao động về nước như ngày hôm nay có sự nỗ lực rất lớn của nhiều phía, trước hết là của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã làm việc với tất cả các cơ quan hữu quan của Malaysia như Bộ Nội vụ, Bộ Nguồn Nhân lực, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp để làm sao nhanh chóng làm thủ tục cho lao động Việt Nam có thể về sớm. Bên cạnh đó có sự phối hợp của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Lao động và Ban quản lý lao động tại Malaysia đã nỗ lực hết sức để đẩy nhanh quá trình này. Về thị trường lao động Malaysia, ông Lê Văn Thanh cho biết đây là thị trường có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam nói riêng và lao động nước ngoài rất lớn. Tuy nhiên, qua sự việc này, chúng ta cần phải có những có những cải tiến trong việc làm thủ tục cho người lao động sang Malaysia, trước hết phải đánh giá các đối tác tốt hơn, tìm đến đối tác tin cậy và giới thiệu lao động có chất lượng tốt sang Malaysia.

Ông Lê Văn Thanh - Phó Cục trưởng Quản lý lao động nước ngoài - động viên chị em lao động
Đây là thị trường tiềm năng, có nhu cầu ngày càng lớn, đặc biệt là sau chương trình Hợp pháp hóa và ân xá cho lao động nước ngoài đang làm việc bất hợp pháp tại Malaysia (còn gọi là chương trình 6P). Malaysia tiếp tục được khẳng định là thị trường tốt cho Việt Nam. Giám đốc Công ty thương mại cổ phần Việt Hà-Hà Tĩnh (VIHATICO) Lưu Quang Bình, đơn vị trực tiếp đưa các lao động nói trên sang Malaysia làm việc, cho biết ngay sau khi nhận được tin Công ty Asmana không gia hạn visa cho các lao động, VIHATICO đã nhiều lần làm việc với đối tác và đề nghị Đại sứ quán và Bộ Lao động Việt Nam, cũng như các cơ quan chức năng phía Malaysia can thiệp để sớm đưa các lao động ra khỏi nơi tạm giữ để trở về nước hoặc tiếp tục ở lại làm việc.

Đại diện Sứ quán trao quà cho các công nhân
Công ty đã quyết định hỗ trợ cho mỗi người về nước một triệu đồng và sẽ thực hiện thanh lý hợp đồng theo đúng quy định của luật lao động Việt Nam. Đối với số lao động muốn ở lại tiếp tục làm việc, công ty sẽ cố gắng để đưa những lao động này trở lại làm việc sớm nhất có thể.

Các công nhân nhận tiền lương và tiền phụ cấp do Asmana trả
Trước đó, vào ngày 17/3, 52 lao động nói trên cùng 30 lao động Nepal đã bị Cục Di trú Penang bắt giữ theo luật Di trú Malaysia, sau đó họ được chuyển đến Trung tâm bảo vệ nhân chứng Kuala Lumpur và Malacca. Đến ngày 31/3, toàn bộ số lao động này đã được chuyển trả lại cho Cục Di trú Penang để tiếp tục giải quyết vụ việc theo Luật Di trú Malaysia./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục