Hải Dương: Giáo xứ Kim Lai đón mùa Noel sung túc

Từ một Giáo họ với hầu hết cư dân sống tạm bợ trên thuyền chài, đến nay, các hộ dân xứ đạo Kim Lai đã được lên bờ định cư, cuộc sống đổi thay gấp bội.

Những người già ở Giáo xứ Kim Lai (thuộc khu dân cư 16, phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương) chia sẻ, Noel năm nay có lẽ là một trong những mùa Noel vui nhất mà họ được hưởng.

Từ một Giáo họ với hầu hết cư dân quanh năm lênh đênh tạm bợ trên thuyền chài, hiện hàng trăm hộ dân xứ đạo này đã được cấp đất làm nhà, lên bờ định cư, cuộc sống đổi thay gấp bội.

Đã gần 80 tuổi, ông Cao Văn Trường, một người dân xứ đạo vẫn còn khắc ghi về một quá khứ đáng tự hào của đồng bào Công giáo Kim Lai. Ông kể, Giáo xứ Kim Lai khởi nguồn là làng chài Kim Phô, sau đó là Giáo họ Kim Lai, được các bậc tiền bối lập nên từ năm 1858. Ông Trường từng là Chủ nhiệm Hợp tác xã cá Kim Lai từ năm 1962, khi cả Hợp tác xã mới có 70 hộ dân nên hơn ai hết, ông rất tự hào và nhớ rõ nhiều đóng góp của người xứ đạo cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Những năm đánh Mỹ, bà con Công giáo nơi đây đã tích cực tham gia vận chuyển thực phẩm chi viện cho chiến trường. Xứ đạo Kim Lai có bảy người vào bộ đội đi kháng chiến chống Mỹ.

Sau hòa bình, người dân xứ đạo Kim Lai tu chí làm ăn, sống bằng nhiều nghề sông nước như đánh bắt cá, dịch vụ vận tải thủy, mò kim loại trên sông, lặn thuê...

Từ tháng 6/2012, Giáo họ Kim Lai được nâng lên Giáo xứ, trở thành một trong năm Giáo xứ của thành phố Hải Dương hiện nay và là Giáo xứ có đông đồng bào giáo dân nhất. Theo ông Nguyễn Văn Út, Trưởng khu dân cư 16, Giáo xứ Kim Lai có 565 hộ với dân số trên 2.300 người, chiếm hơn 80% dân số của khu dân cư.

Ký ức về một xứ đạo nghèo đang ngày một lùi xa với người Kim Lai. Ông Trường bảo, chỉ chưa đầy 10 năm trước, Giáo xứ Kim Lai bị gọi là xứ đạo "5 không" bởi không đất, không nhà, không trường, không điện, không nước sạch. Trẻ con sinh ra thường thất học, nhiều người lớn mù chữ, không giấy khai sinh.

Những ngày đó đã xa, giờ đây, đời sống đồng bào Công giáo đã có nhiều bước tiến vượt bậc, kinh tế khá giả, nhận thức nâng cao, số hộ nghèo giảm, số trẻ được đến trường nhiều thêm… Những đổi mới này có được nhờ mấy năm gần đây, cấp ủy và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là cấp đất, tạo điều kiện cho bà con làm nhà, định cư.

Anh Nguyễn Văn Ngọc là một trong số những trường hợp như thế. Sinh ra trong một gia đình nghèo, đến khi lấy vợ vẫn gắn cuộc đời với sông nước. Có chút vốn liếng, anh hùn vốn làm ăn với một bạn hàng về lĩnh vực vận tải song không may thuyền bị đắm. Trắng tay, anh Ngọc phải chuyển lên bờ làm thuê, ở trọ.

Đầu năm 2012, anh là một trong 198 hộ dân đầu tiên của xứ đạo Kim Lai được nhận đất ở. Hôm nay, trên gần 50 mét vuông đất được cấp, vợ chồng anh đã xây được nhà, chấm dứt gần 15 năm ở trọ. Rồi được vay 10 triệu đồng theo kênh của Hội Phụ nữ, anh mua đồ nghề, mở tiệm sửa xe máy. Cuộc sống mỗi ngày một sung túc hơn.

"5 năm trước, có nằm mơ, tôi cũng không bao giờ nghĩ đời mình lại có được ngôi nhà khang trang như thế này. Thật đúng là nhờ ơn bề trên, nhờ ơn Đảng, Nhà nước mà tôi được đổi đời”, anh Ngọc nói.

Cũng nhờ được an cư, cuộc sống hầu hết giáo dân Kim Lai ngày càng tươm tất. Theo ông Út, số hộ nghèo của khu dân cư đa phần là người theo đạo này đã giảm rõ rệt: Từ 57 hộ năm 2009, giảm xuống còn 18 hộ năm 2013.

Số con em đồng bào Công giáo được đến trường cũng tăng trông thấy. Năm học 2011-2012, có 61 học sinh tiểu học, 37 học sinh trung học cơ sở và 11 học sinh trung học phổ thông; năm học 2012-2013, đã tăng lên 85 học sinh tiểu học, 41 học sinh trung học cơ sở và 17 học sinh trung học phổ thông.

Số học sinh đỗ đại học cũng tăng: Từ 2 cháu năm 2012, lên 4 cháu năm 2013.

Trước đây, mỗi năm có từ 5 đến 10 trẻ em chết đuối, nhưng từ khi hàng trăm hộ dân được lên bờ thì con số này giảm hẳn. “Việc con em đồng bào Công giáo được ăn học đến nơi đến chốn sẽ xóa dần nạn mù chữ, nâng cao dân trí, chính là tương lai của Giáo xứ Kim Lai. Điều này mới đáng mừng nhất,” ông Út nói.

Hiện nay, vẫn còn 293 hộ dân ở Giáo xứ này chưa được cấp đất. Ông Út ao ước một ngày không xa họ sẽ được lên bờ, được hỗ trợ để dần chuyển đổi nghề nghiệp, thoát nghèo bền vững. Đây cũng chính là mong mỏi lớn nhất của người dân trong Giáo xứ.

Không chỉ cấp đất cho người dân lên bờ, cuối năm 2011, Nhà nước còn dành ra hàng trăm mét vuông đất để xây nhà văn hóa, xây trường mầm non và đặc biệt, tháng 8/2013 đã cấp gần 4.000 mét vuông đất để xây nhà thờ cho Giáo xứ. Chỉ vài năm nữa thôi, họ sẽ được đón Thánh lễ Noel tại chính nhà thờ khang trang trên đất phường mình.

Noel - một trong hai đại lễ trong năm của đồng bào Công giáo đã cận kề. Đi trên đường phố mới của Xứ đạo Kim Lai, thấy trước cửa, trên các bancông những ngôi nhà cao tầng, bà con đã trang trí đèn hoa đẹp đẽ. Ông Đoàn Văn Chiến kể, cứ dịp Noel, con em xứ đạo dù làm ăn xa đến đâu cũng đều về đoàn tụ với người thân, đêm 24 và sáng 25/12, cùng nhau đi lễ Nhà thờ.

Chia tay xứ đạo đang rộn ràng đón một mùa Noel mới, nhìn đám trẻ vui đùa, cười giòn tan trong ánh nắng một ngày cuối năm chan hòa, ai cũng như vui lây với niềm vui của người dân Kim Lai đang từng bước đổi đời.

Hy vọng, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực tự thân của người dân xứ đạo, những mùa Noel tiếp nối đến với đồng bào Công giáo nơi đây sẽ ngày càng tươi vui và ấm áp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục