Người dân Italy muốn bán đảo Sardinia để trả nợ công

Một nhóm người Italy đã lập một trang Facebook để thảo luận và vận động bán hòn đảo Sardinia phía Nam Italy cho Thụy Sỹ.
Hòn đảo Sardinia. (Nguồn: boatinternational.com)

Một nhóm người Italy đã lập nên trang Maritime Canton trên Facebook để thảo luận và vận động bán hòn đảo Sardinia phía Nam Italy cho Thụy Sỹ.

Trang facebook này đã thu hút được trên 3.500 thành viên tham gia thảo luận việc bán hòn đảo lớn thứ hai của Italy cho quốc gia giàu có Thụy Sỹ.

Các thành viên của trang này chia sẻ, họ đang điều tra nguyện vọng của người dân đảo Sardinia đối với việc bán đảo Sardinia cho Thụy Sĩ nhằm trả một phần khoản nợ công của Italy và khởi động lại nền kinh tế quốc gia.

Những người sáng lập nhóm cũng đề cập đến một số vấn đề thực tế quan trọng trong việc chuyển đổi quốc tịch của hòn đảo này sau 150 năm thuộc về Italy như: Người dân đảo Sardinia sẽ trở thành công dân Thụy Sĩ; không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; có thể dùng đồng tiền franc Thụy Sĩ thay vì đồng euro và nền kinh tế địa phương này nhanh chóng được sắp xếp lại để có thể phù hợp với quê hương mới...

Trang Maritime Canton này được thiết lập lần đầu vào năm 2012. Sau một thời gian tạm ngừng, hiện nhóm đã kích hoạt trang mạng hoạt động trở lại vào cuối tuần qua sau khi Thủ tướng mới của Italy Matteo Renzi tuyên thệ nhậm chức.

Maritime Canton cho rằng "đã đến lúc nối lại các cuộc đối thoại," kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến cho việc đồng ý hoặc chống lại sự “ly khai” của Sardinia. Chiến dịch vận động của nhóm này được tung ra chỉ vài ngày sau khi người Thụy Sĩ bỏ phiếu kiềm chế người nhập cư từ châu Âu.

Trong khi phương pháp tiếp cận nhằm rời bỏ Italy để đến với Thụy Sỹ, người hàng xóm giàu có hơn có thể là điều mới mẻ đối với đảo Sardinia nhưng các khái niệm ly khai đã phổ biến ở nhiều vùng ở Italy.

Đảng Liên đoàn phương Bắc (Lega Nord) nổi lên và thu hút được sự chú ý của dư luận vào những năm 1990 cũng bằng cách kêu gọi độc lập cho miền Bắc giàu có của Italy, nơi được xem như người phải gánh vác, yểm trợ cho khu vực phía Nam nghèo hơn của Italy.

Đầu tháng 2/2014, lãnh đạo đảng Liên đoàn phương Bắc là Matteo Salvini - người ủng hộ các chiến dịch đòi tự trị tương tự ở Scotland, Anh và Catalonia ở Tây Ban Nha, cũng tiếp tục kêu gọi tự trị cho miền Bắc Italy.

Hiện một số khu vực ở Italy đã có mức độ tự chủ tài chính khác nhau như Sicily, Trentino-Alto Adige... và có quyền kiểm soát lớn hơn về các loại thuế cũng như ngân sách của tỉnh so với các tỉnh khác ở Italy.

Do vậy, trong thời gian qua một số tỉnh có nền kinh tế vững, phát triển tại Italy đã có ý kiến đòi tự trị để tránh việc phải chia sẻ trách nhiệm gánh nặng về kinh tế cho các vùng khó khăn khác.

Hiện Italy đang chìm trong cuộc suy thoái nặng nề nhất kể từ sau Thế chiến II, với tỷ lệ thất nghiệp lên đến mức kỉ lục 12,7% và nợ công đã vượt mức 133% GDP./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục