Thị trường xuất khẩu gạo đối mặt nhiều áp lực

Theo các chuyên gia của Trung tâm Thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về lý thuyết, nếu chính phủ mua gạo dự trữ, lượng hàng sẽ bớt tồn trong dân. Do vậy tình hình giá lúa gạo trong nước cũng sẽ được kéo lên. Tuy nhiên, tình hình này rất khó xảy ra vì giá gạo trên thị trường thế giới đang ở mức thấp và có xu hướng đi xuống. Hơn nữa, các doanh nghiệp thu mua lúa gạo không phải để xuất khẩu ngay mà thu mua để trong kho dự trữ. Do vậy các doanh nghiệp sẽ phải thu mua theo một giá nhất định và chờ động tĩnh của thế giới để không bị lỗ.
Chính phủ vừa quyết định thu mua lúa gạo đợt 2 cho nông dân. Từ ngày 20/9 đến 20/11, Tổng công ty Lương thực miền Nam sẽ mua tạm trữ 500.000 tấn quy gạo vụ hè thu.

Cũng giống như đợt thu mua lần 1, Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua gạo theo giá bảo đảm lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân. Giá mua sẽ tùy theo phẩm chất từng loại lúa gạo nhưng không thấp hơn giá sàn quy định là 3.800 đồng/kg lúa (đã qua phơi sấy, độ ẩm bình quân 17%).

Theo các chuyên gia của Trung tâm Thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về lý thuyết, nếu chính phủ mua gạo dự trữ, lượng hàng sẽ bớt tồn trong dân. Do vậy tình hình giá lúa gạo trong nước cũng sẽ được kéo lên.

Tuy nhiên, tình hình này rất khó xảy ra vì giá gạo trên thị trường thế giới đang ở mức thấp và có xu hướng đi xuống. Hơn nữa, các doanh nghiệp thu mua lúa gạo không phải để xuất khẩu ngay mà thu mua để trong kho dự trữ. Do vậy các doanh nghiệp sẽ phải thu mua theo một giá nhất định và chờ động tĩnh của thế giới để không bị lỗ.

Đến nay, lượng tồn kho dự kiến của các doanh nghiệp ở mức khoảng 1.550 triệu tấn. Cùng với 500.000 tấn gạo đang được tổ chức thu mua, lượng gạo trong kho của các doanh nghiệp sẽ đạt mức hơn 2 triệu tấn.

Trong khi đó, hệ thống kho bãi cho tới nay vẫn luôn là một bài toán không dễ giải quyết và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt tại thời điểm này, Thái Lan có nhiều động thái đẩy mạnh xuất khẩu.

Do vậy, việc cạnh tranh với gạo Thái Lan để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu trong thời gian tới sẽ rất khó khăn, khi Thái Lan có lợi thế hơn về chất lượng gạo. Việc thu mua gạo của Chính phủ rất có thể sẽ không tác động mấy trong việc đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên cao.

Trong mấy tháng cuối năm, khi mà Chính phủ Thái Lan tiến hành xả gạo trên thị trường thế giới, đẩy nguồn cung lên cao, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam.

Theo chuyên gia Nguyễn Hiếu Tâm, Trung tâm Thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa dự báo lượng gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2009 sẽ chỉ đạt 5,7 triệu tấn, giảm 300.000 tấn so với mức dự báo vào tháng 8-2009. Thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ ảnh hưởng ngược trở lại đến thị trường nội địa, gây áp lực làm giảm giá mua lúa gạo cho bà con nông dân.

Tuy nhiên, đối với thị trường trong nước thì giá gạo sẽ tăng nhẹ, hoặc giữ nguyên mức ổn định, nhưng tình hình này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn khi vụ hè thu qua đi và nguồn cung lúa gạo trong nước lại được bổ sung từ vựa lúa thu đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục