Đắk Lắk đầu tư gần 4.650 tỷ đồng tái canh cây càphê

Trước mắt, từ nay đến năm 2016, tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch đầu tư gần 4.650 tỷ đồng để tái canh 25.625ha càphê hết chu kỳ kinh doanh.
Ngày 11/6, tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức Hội nghị về tái canh cây càphê và kế hoạch sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam để tái canh cây càphê hết chu kỳ kinh doanh trên địa bàn.

Tại Hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết một số hợp đồng tín dụng giữa Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk với các khách hàng (nông hộ, doanh nghiệp) về vay vốn để đầu tư tái canh càphê.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk có diện tích càphê cần tái canh trên 65.355ha. Trước mắt, giai đoạn từ nay đến năm 2016, tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch đầu tư gần 4.650 tỷ đồng để tái canh 25.625ha càphê; trong đó, vốn tự có của các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càphê gần 1.650 tỷ đồng, vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3.000 tỷ đồng.

Diện tích càphê tái canh trong giai đoạn này đều tập trung trong vùng quy hoạch, vườn cây già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, sinh trưởng phát triển kém năng suất ba năm liền chỉ đạt dưới 1,5 tấn càphê nhân/ha hoặc diện tích vườn càphê bị sâu bệnh phá hoại không thể áp dụng các biện pháp cưa đốn chọn chồi tái sinh ghép cải tạo được.

Ngoài việc thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật tái canh, tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo các nông hộ, các doanh nghiệp không nên triển khai thực hiện việc tái canh đồng loạt trên quy mô lớn mà chỉ chặt bỏ, tái canh càphê trên từng khu vực nhỏ, chia ra trong nhiều năm để đảm bảo nguồn thu ổn định. Các nông hộ, các doanh nghiệp khi thực hiện tái canh chỉ ưu tiên sử dụng các dòng vô tính của các giống càphê TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13 hoặc các giống càphê hạt lai đa dòng.

Đây là các giống càphê đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận, thích nghi với điều kiện đất đai, khi hậu ở địa phương, kháng được sâu bệnh, nhất là bệnh gỉ sắt, cho năng suất cao, với chất lượng càphê nhân đảm bảo xuất khẩu.

Tỉnh cũng đưa ra các cơ chế đảm bảo tiền vay, cơ chế quy định vốn vay cho từng vùng và thời gian trả nợ vốn vay cho ngân hàng là 7 năm...

Đắk Lắk hiện có trên 202.022ha càphê, trong đó diện tích cho sản phẩm 191.050ha và năng suất niên vụ vừa qua chỉ đạt 20,44 tạ càphê nhân/ha, giảm 4,68 tạ càphê nhân/ha so với niên vụ càphê 2011-2012.

Một trong những nguyên nhân chính làm cho năng suất càphê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giảm là do diện tích càphê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh ngày một tăng. Qua khảo sát cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh diện tích càphê dưới 4 năm tuổi chỉ có hơn 6.880ha, từ 4-9 năm có trên 20.550ha, càphê từ 10-14 năm có trên 40.324ha, còn lại là diện tích càphê từ 15 năm trở lên. Phần lớn diện tích càphê vối này đều trồng không có cây che bóng, chắn gió, trồng bằng cây thực sinh.../.

Quang Huy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục