Gạo nhiễm độc, dân Trung Quốc quay sang gạo Thái

Sau khi phát hiện gạo trong nước bị nhiễm độc, người tiêu dùng Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng các thương hiệu gạo nhập khẩu.
Sau khi các nhà chức trách Trung Quốc phát hiện gạo tiêu thụ ở tỉnh Quảng Đông có nhiễm độc kim loại nặng cát mi, người tiêu dùng nước này đã chuyển sang sử dụng các thương hiệu gạo nổi tiếng của các tỉnh phía Bắc của nước này và gạo nhập khẩu.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia phân tích Wang Shutong của Sublime China Information Co. (SCI) – một công ty chuyên cung cấp thông tin về hàng hóa, cho biết nhu cầu gạo Thái ở Trung Quốc - hiện có giá bán cao hơn gấp chín lần so với gạo sản xuất trong nước, đang tăng.

Cùng với gạo Thái, theo số liệu của SCI, giá bán gạo sản xuất ở Hắc Long Giang, một tỉnh ở phía Đông Bắc Trung Quốc và đang trồng giống gạo japonica hạt ngắn, đã tăng 2,6% trong tháng này.

Ông Wang nói: “Sự cố này đã nêu bật tình hình chất lượng đất và nước khủng khiếp của Trung Quốc. Phản ứng ngay lập tức của người tiêu dùng là mua gạo từ những nơi tương đối không bị ô nhiễm, và điều này có nghĩa là gạo sản xuất ở khu vực phía Bắc Trung Quốc và gạo nhập khẩu.”

Tuy nhiên, theo ông Wang, hạn ngạch nhập khẩu chặt chẽ của Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc Thái Lan và các nước xuất khẩu gạo khác không thể đẩy mạnh xuất khẩu để tận dụng nhu cầu đang tăng ở nước này.

Theo hãng tin Bloomberg, hiện tại, Thái Lan là nhà cung cấp gạo chất lượng cao lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Việt Nam và Pakistan là những nước cung cấp gạo có chất lượng thấp hơn. Năm ngoái, Thái Lan đã xuất khẩu 175.351 tấn gạo sang Trung Quốc, giảm mạnh so với con số 325.620 tấn của năm 2011.

Trước đó, hôm 16/5, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, cho biết họ đã phát hiện 44,44% trong tổng số 18 mẫu gạo lấy từ các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ trong quý 1/2013 có chứa hàm lượng cát mi – một loại hóa chất công nghiệp có khả năng gây ung thư cao – cao hơn tiêu chuẩn cho phép trong gạo và các sản phẩm gạo ở thành phố này.

Theo Tân Hoa Xã, có 5 trong số 18 mẫu gạo nhiễm độc này có xuất xứ từ Thị xã Youxian (tỉnh Hồ Nam), ba mẫu khác có xuất xứ từ Thành phố Hengyang, cũng thuộc tỉnh Hồ Nam, và thành phố Dongguan thuộc tỉnh Quảng Đông./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục