EU và Mỹ tìm kiếm các biện pháp trừng phạt Syria

Pháp, Anh, Đức và Bồ Đào Nha đã đệ trình lên Liên hợp quốc các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ngày 23/8, Pháp, Anh, Đức và Bồ Đào Nha đã đệ trình lên Liên hợp quốc các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổng thống Syria Bashar al-Assad liên quan đến các chiến dịch an ninh mà chính quyền của ông Assad tiến hành nhằm chống lại những người biểu tình ở nước này khiến hơn 2.200 người thiệt mạng từ giữa tháng Ba vừa qua.

Các biện pháp này có thể bao gồm phong tỏa tài sản, cấm đi lại đối với đối với Tổng thống Assad và các quan chức chóp bu của Syria. Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với các công ty của Syria và cấm vận vũ khí.

Đây là lần đầu tiên dự thảo nghị quyết liên quan trừng phạt Syria được trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại các cuộc tham vấn về cuộc khủng hoảng tại Syria.

Trên trang mạng xã hội Twitter, phái bộ Pháp tại Liên hợp quốc cũng cho biết một dự thảo nghị quyết về các biện pháp trừng phạt Syria hiện đã được gửi tới các nước ủy viên Hội đồng Bảo an.

Dự thảo nghị quyết trừng phạt nói trên đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc - hai ủy viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Syria vì cho rằng hành động này có thể mở đường cho lực lượng quân đội của các nước phương Tây khác can dự vào Syria như tình hình tại Libya hiện nay.

Trung Quốc và Nga đều cho rằng các đảng phái chính trị tại Syria nên tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mã Triều Húc nhấn mạnh: "Tương lai của người Syria nên để chính họ quyết định". Trong khi đó, các nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi cũng phản đối các biện pháp trừng phạt Syria.

Cho đến nay, Hội đồng Bảo an mới chỉ nhất trí lên án tình trạng bạo lực tại Syria trong một tuyên bố ngày 3/8, sau nhiều tháng vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, Nga và một số nước ủy viên không thường trực khác.

Cùng ngày, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ, đã ra nghị quyết lên án tình trạng bạo lực tại Syria và quyết định phái khẩn cấp một ban điều tra quốc tế về nhân quyền tới quốc gia này. Nghị quyết nêu trên do Liên minh châu Âu (EU) đề xướng nhận được 33 phiếu thuận, 4 phiếu chống và 9 phiếu trắng.

Nga và Trung Quốc nằm trong số 4 nước thành viên bỏ phiếu chống, cho rằng, nghị quyết nêu trên của Hội đồng Nhân quyền là không công bằng và không tính tới mong muốn đối thoại của chính quyền Damascus. Syria và Cuba cũng đã tố cáo nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền lần này là một nghị quyết "đã bị chính trị hóa".

Theo nghị quyết nêu trên, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc quyết định phái gấp một ban điều tra quốc tế độc lập do Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chỉ định nhằm điều tra mọi vi phạm nhân quyền tại Syria kể từ tháng 3/2011. Ban điều tra này sẽ phải thực hiện nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất có thể để kết thục nhiệm vụ chậm nhất trước cuối tháng 11./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục