Dự thảo Hiệp ước an ninh châu Âu-Đại Tây Dương

Dự thảo Hiệp ước an ninh châu Âu-Đại Tây Dương, do Nga đề xuất, vừa được công bố trên trang thông tin điện tử của Tổng thống Nga.
Dự thảo Hiệp ước an ninh châu Âu-Đại Tây Dương, do Nga đề xuất, đã được công bố ngày 29/11 trên trang thông tin điện tử chính thức của Tổng thống Nga.

Nga cho biết mục tiêu chính của hiệp ước này là thiết lập trong lĩnh vực an ninh chính trị-quân sự châu Âu-Đại Tây Dương một không gian thống nhất nhằm "đoạn tuyệt với di sản của Chiến tranh Lạnh."

Chính vì vậy, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đề nghị đưa vào luật pháp quốc tế nguyên tắc thống nhất về an ninh, theo đó không một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào trong không gian châu Âu-Đại Tây Dương được củng cố an ninh của mình bằng cách gây phương hại cho an ninh của các nước khác và tổ chức khác.

Dự thảo nêu rõ các thành viên hiệp ước không được thực hiện các hành động hay biện pháp ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh của một hay nhiều thành viên khác, không tham gia và không ủng hộ những hành động và biện pháp đó.

Các thành viên hiệp ước không cho phép sử dụng lãnh thổ của mình, cũng không sử dụng lãnh thổ của thành viên khác để huấn luyện hoặc tấn công một hay nhiều thành viên khác, hoặc các hành động gây phương hại nghiêm trọng tới an ninh của một hay nhiều thành viên khác.

Một điều khoản khác qui định các thành viên hiệp ước có thể xem cuộc tấn công vũ trang vào một nước thành viên khác như tấn công chính mình.

Khi đó, theo nguyên tắc thực hiện quyền tự vệ ở điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc, họ có quyền hỗ trợ nước thành viên bị tấn công, với sự đồng ý của nước này, mọi sự trợ giúp cần thiết, bao gồm cả trợ giúp quân sự, cho tới khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp cần thiết để duy trì an ninh và hòa bình quốc tế.

Những biện pháp được các nước thành viên hiệp ước thông qua khi thực hiện quyền tự vệ cần phải thông báo ngay lập tức cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Vẫn theo điều khoản này, nước thành viên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công thông báo điều này cho cơ quan ủy nhiệm, cơ quan đó phải triệu tập ngay lập tức cuộc họp khẩn cấp các thành viên hiệp ước để quyết định những biện pháp tập thể cần thiết. Cuộc họp có thể quyết định mời các quốc gia thứ 3, các tổ chức quốc tế và các bên quan tâm tham gia.

Cuộc họp khẩn cấp trên có đầy đủ hiệu lực khi có ít nhất 4/5 số thành viên hiệp ước tham dự. Quyết định của cuộc họp khẩn cấp được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận và sẽ có tính chất bắt buộc.

Trong trường hợp nếu cuộc tấn công vũ trang hoặc đe dọa tấn công do một nước thành viên khác của hiệp ước thực hiện, nước này sẽ không có quyền biểu quyết khi thông qua quyết định.

Các thành viên không được chấp nhận các cam kết quốc tế không phù hợp với hiệp ước. Đồng thời, dự thảo hiệp ước không đề cập đến quyền trung lập của các nước thành viên.

Hiệp ước an ninh châu Âu-Đại Tây Dương sẽ để ngỏ cho tất cả các nước trong không gian châu Âu-Đại Tây Dương và không gian Á- Âu, từ Canada tới Nga, cũng như các tổ chức gồm Liên minh châu Âu, Tổ chức An ninh và Dợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) tham gia.

Cơ quan báo chí của văn phòng Tổng thống Nga cho biết dự thảo hiệp ước được soạn thảo dựa trên kết quả các cuộc thảo luận trong năm 2009 ở các diễn đàn đa phương khác nhau. Tổng thống Nga Medvedev đã gửi dự thảo hiệp ước cho lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế liên quan (NATO, EU, ODKB, SNG và OSCE).

Trước đó, Nga đã đề nghị khởi động những cuộc đàm phán nhằm đạt được một hiệp ước mới về an ninh châu Âu, cho phép tạo ra một phương thức hợp tác mới trong lĩnh vực an ninh giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Theo Tổng thống Nga Medvedev, điều quan trọng là trong hiệp ước mới cần qui định những cơ chế thống nhất nhằm ngăn chặn và giải quyết các cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình, đồng thời chuyển sang một cấp độ hợp tác mới trong việc đối phó với các nguy cơ an ninh.

Hiệp ước mới cũng cần qui định những nguyên tắc cơ bản trong triển khai các cơ chế kiểm soát vũ khí, những biện pháp củng cố lòng tin, tính kiềm chế trong xây dựng quân đội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục