Lập 6 đoàn kiểm tra thực phẩm dịp Tết Trung thu

Các đoàn sẽ thanh, kiểm tra mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, mứt, kẹo, thịt, sản phẩm từ thịt...
Từ ngày 22/8, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu tại 18 tỉnh, thành trên cả nước.

Các đoàn sẽ thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, trong đó ưu tiên tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Tung thu như bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt...

Những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung... sẽ do các đoàn của trung ương và tuyến tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra.

Đối với các cơ sở vừa và nhỏ sẽ do các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp huyện, xã thực hiện.

Trong quá trình thanh tra, đoàn sẽ kiểm tra thực tế tại nơi sản xuất, chế biến, khu vực bảo quản, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, việc ghi nhãn hàng hóa, hạn sử dụng... Đối với các cơ sở vi phạm, đoàn sẽ lập biên bản thanh tra, biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo chỉ đạo, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của trung ương và các địa phương phải báo cáo kết quả thanh tra về Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) trước ngày 25/9.

Trường hợp phát hiện có sự cố an toàn thực phẩm, các đoàn của trung ương, các địa phương có trách nhiệm báo nhanh trong vòng 24 giờ về Cục An toàn vệ sinh thực phẩm để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tết trung thu là dịp người dân sử dụng nhiều thực phẩm, bao gồm cả số lượng và chủng loại. Chính vì vậy công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm./.

Theo cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, nguyên liệu làm bánh trung thu thường là bột, trứng, thịt, hoa quả, xúc xích, lạp xường... Đây là những thứ dễ bị ô nhiễm và có môi trường dinh dưỡng thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh sinh sôi phát triển, gây đau bụng, tiêu chảy cho người sử dụng.

Nếu sử dụng bột và nhân bánh không an toàn dễ bị nhiễm độc tố nấm mốc. Có những độc tố nấm mốc như aflatoxin B1 rất bền vững, không bị phân hủy ở nhiệt độ sôi và men tiêu hóa; độc tố này nếu ăn phải ở liều lượng cao có thể gây suy chức năng gan cấp, xơ gan và hoại tử nhu mô gan...
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục