Thị trường tiền tệ thận trọng hơn với nền kinh tế Mỹ

Đồng USD suy yếu sau khi những thống kê từ Mỹ khiến thị trường tiền tệ thận trọng hơn về "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại Tokyo phiên 30/8, đồng USD suy yếu sau khi những thống kê phát đi từ Mỹ khiến thị trường trở nên thận trọng hơn về "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong phiên này, nhà đầu tư cũng có ý chờ đợi bài phát biểu ngày 31/8 của người đứng đầu Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) FED Ben Bernanke để tìm định hướng giao dịch.

Đồng tiền xanh giảm từ mức 78,70 yen/USD và 1,2526 USD/euro trong phiên 29/8 ở New York xuống 78,62 yen/USD và 1,2534 USD/euro. Trong khi đó, tỷ giá euro/yen đứng ở mức 98,54 yen/euro, so với 98,61 yen/euro trong phiên trước.

Ở thời điểm đầu phiên, đồng USD đã nhận được hỗ trợ sau khi tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý II/2012 được điều chỉnh lên 1,7%, so với con số được đưa ra ban đầu là 1,5%.

Thêm vào đó là những dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản Mỹ đang ấm lên. Tuy nhiên, sau đó báo cáo của FED (Sách màu be) lại cho thấy bức tranh kinh tế Mỹ bị "kém sắc" hơn.

Phát biểu trên tuần báo Đức Die Zeit, người đứng đầu Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ông Mario Draghi khẳng định ngân hàng này sẽ làm những gì cần thiết để đảm bảo ổn định thị trường tín dụng.

Và ECB sẽ luôn hành động trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ của mình. Trước đó, ông Draghi cam kết bảo vệ đồng euro bằng mọi giá, khiến thị trường ngày càng nghiêng về dự đoán rằng ECB sẽ khởi động chương trình mua trái phiếu để giúp hạ chi phí đi vay của các nước thành viên Eurozone đang nợ ngập đầu.

Cũng trong phiên 30/8 tại Tokyo, đồng USD nhìn chung đều mạnh hơn so với các đồng tiền của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cụ thể, đồng USD lên giá so với các đồng nội tệ của Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia, nhưng lại yếu đi so với đồng peso (Philippines), và giữ giá so với đồng TWD (Đài Loan)./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục