Cảm hứng sáng tạo

Cảm hứng sáng tạo sau thảm họa kép tại Nhật Bản

Gần 1 năm xảy ra thảm họa sóng thần, các nghệ sỹ Nhật đã tìm các cách thức mới để thể hiện những cảm xúc của mình trước thảm họa.
Gần 1 năm xảy ra thảm họa động đất-sóng thần tàn phá vùng Đông Bắc Nhật Bản và khủng hoảng hạt nhân sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, các nghệ sỹ đã tìm các cách thức mới để thể hiện những cảm xúc của mình trước thảm họa.

Phong trào có tên gọi “Hậu 11/3” lấy cảm hứng từ hình ảnh sóng thần tàn phá các thị trấn và nỗi đau của các nạn nhân trước thảm kịch tồi tệ nhất với đất nước Mặt Trời mọc kể từ sau Thế chiến 2.

Qua các tác phẩm của mình, các nghệ sỹ muốn chuyển tải đến thông điệp phản đối điện hạt nhân hoặc đơn giản chỉ để tưởng nhớ hàng ngàn người đã thiệt mạng vì thảm họa.

”Trên thực tế mọi cuộc triển lãm và hoạt động nghệ thuật đã trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến những sự cố này,” Emily Wakeling, nhà nghiên cứu nghệ thuật làm việc tại Tokyo, cho biết.

Với nghệ sỹ 27 tuổi Tsubasa Kato, chuyến đi đến Fukushima trong vai trò một người tình nguyện dọn dẹp đống đổ nát đã mang lại cho anh nguồn cảm hứng dồi dào. Với sự giúp đỡ của 300 người dân địa phương, Kato vừa hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt - ngọn hải đăng cao ba tầng, xây bằng những vật liệu thu được từ những ngôi nhà đổ nát vì sóng thần.

"Ở Fukushima, người dân dọn dẹp đống đổ nát. Tôi đã ở đó, với cơ hội xây dựng một cái gì đó mới mẻ cho cộng đồng", anh nói với AFP. Anh cho rằng có thể thấy rõ sự lạc quan của hàng ngàn người khi họ tụ tập để xem ngọn hải đăng được kéo lên. "Người dân Nhật Bản rất đoàn kết, tương thân tương ái khi gặp thiên tai và dự án này là một cách để người xem và các nạn nhân có thể kết nối với nhau,” anh nói.

Moeko Fujii, 25 tuổi, chuyên sáng tác truyện tranh, cho rằng thảm họa khiến cô và các đồng nghiệp phải thay đổi cách họ vẫn làm.

“Là nghệ sỹ, chúng tôi phải nghĩ lại cách thể hiện một thảm họa như thế này, và cần thiết phải làm vậy,” cô nói. Truyện tranh rất quen thuộc và được nhiều lứa tuổi đón đọc, và đó là cách tốt để giúp mọi người hiểu thêm về động đất, Moeko nói.

Trong khi đó, 6 thành viên của nhóm ChimPom đã chọn cách tiếp cận khác. Họ thể hiện sự phẫn nộ của công chúng với việc xử lý sự cố nhà máy điện hạt nhân. Nhóm này đã giới thiệu một video có tên là Real Times, trong đó cho thấy họ đã đến khu vực cấm quanh Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 và cắm một lá cờ trắng trên những khu vực bị tàn phá của nhà máy. Họ vẽ lên lá cờ hình ảnh mặt trời đỏ, và đưa ra những cảnh báo với chất phóng xạ.

Ở một dự án khác, họ thêm vào bức tranh tường của Taro Okamoto ở quận Shibuya của Tokyo một bức panô mô tả hậu quả của bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Bắt chước phong cách trong bản gốc của Okamoto, ChimPom đã thêm vào đó hình ảnh khói bốc lên từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Dù tấm panô này sau đó bị dỡ đi, Ryuta Ushiro, trưởng nhóm khẳng định nó đã góp phần "đổi mới lịch sử" của Nhật Bản và năng lượng hạt nhân. Ushiro phủ nhận quan điểm của một số nghệ sỹ rằng cảm xúc và phản ứng chính trị trước thảm họa là khác nhau.

"Khi bạn cố gắng để tạo ra một cái gì đó, chia sẻ một kinh nghiệm với nhau, hành động đó rõ ràng có tính chính trị," anh nói. "Vấn đề không phải là nó có mang tính chính trị hay không, mà nó có được thực hiện với mục đích liên hệ với những người khác hay không," Ushiro nói./.

N.A (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục