CH Síp thông qua 3 dự luật đầu tiên để được cứu trợ

Quốc hội Cộng hòa Síp đã thông qua 3 trong số 8 dự luật do Chính phủ nước này soạn thảo với hy vọng nhận được gói cứu trợ 10 tỷ euro.
Ngày 22/3, Quốc hội Cộng hòa Síp đã thông qua 3 trong số 8 dự luật do Chính phủ nước này soạn thảo với hy vọng nhận được gói cứu trợ 10 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đúng thời hạn chót sau đó 3 ngày.

Dự luật đầu tiên liên quan kế hoạch thành lập "Quỹ đầu tư đoàn kết" nhằm huy động 5,8 tỷ euro để nhận được gói cứu trợ phối hợp EU/IMF nói trên.

Quốc hội cũng đã thông qua kế hoạch kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn nguy cơ rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng gặp khó khăn khi hệ thống ngân hàng mở cửa trở lại vào ngày 26/3 tới.

Dự luật thứ ba tập trung vào việc cơ cấu lại khu vực ngân hàng nhằm buộc các ngân hàng gặp khó khăn phải phân loại nợ có khả năng hoàn trả và nợ khó đòi, đặc biệt tại Ngân hàng Nhân dân, tiếng Hy Lạp là Laiki, ngân hàng lớn thứ hai của Cộng hòa Síp.

Dự luật thứ ba gây tranh cãi nhất và chỉ được thông qua với tỷ lệ 26/2 phiếu thuận và 25 phiếu trắng.

Theo quyền Chủ tịch đảng Disy cầm quyền, ông Averof Neophytou, dự luật này đảm bảo khách hàng có thể rút các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro, trong khi các khoản tiền gửi lớn hơn sẽ phải chờ vài năm, đồng thời đảm bảo tới 8.000 việc làm tại Ngân hàng Nhân dân.

Chính phủ Síp sẽ tiếp tục thảo luận các biện pháp gây tranh cãi hơn, bao gồm biện pháp áp thuế 15% đối với các khoản tiền gửi từ 100.000 euro (129.000 USD) trở lên, trong khi thế giới đang đếm ngược thời gian đến ngày 25/3, thời điểm Cộng hòa Síp phải ký thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ với EU và IMF, nếu không Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ ngừng "bơm" tiền cho các "quỹ hỗ trợ thanh toán khẩn cấp" (ELA), kéo theo sự vỡ nợ ở các ngân hàng và sự sụp đổ của nền kinh tế Síp.

Theo hãng tin AFP, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro và IMF sẽ nhóm họp trong ngày 24/3 để hoàn tất thỏa thuận cứu trợ mới khả thi hơn cho Cộng hòa Síp.

Khủng hoảng nợ gia tăng tại Cộng hòa Síp là nguyên nhân khiến lãnh đạo EU tối 22/3 thông báo hoãn vô thời hạn cuộc họp cấp cao với Nhật Bản về khởi động đàm phán tự do hóa thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Trong một thông báo gây ngạc nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu HermanVan Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barrosso nói rõ thật đáng tiếc vì EU đã quyết định hoãn cuộc họp cấp cao với Nhật Bản, dự kiến diễn ra vào tuần tới, vì tình hình ở Síp buộc họ phải thường trực tại thành phố Brussels, Bỉ, nơi EU đóng trụ sở.

Hai nhà lãnh đạo nhắc lại tầm quan trọng của các mối quan hệ chiến lược giữa EU và Nhật Bản, cảm ơn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ sự thấu hiểu, và tỏ ý hy vọng sẽ xếp lại lịch cho cuộc họp này vào ngày sớm nhất có thể.

EU muốn tìm kiếm thỏa thuận thương mại song phương với các đối thủ lớn trên toàn cầu và với các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, nguy cơ vỡ nợ ở Cộng hòa Síp đang làm gia tăng mối lo ngại "căn bệnh" này có thể lây nhiễm trên quy mô lớn trong hệ thống thị trường tài chính thế giới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục