Chất lượng nhân lực: Chìa khóa phát triển du lịch

Đằng sau những con số về lượng khách du lịch không ngừng gia tăng là mối lo lớn, bởi nguồn lực của ngành du lịch vừa thiếu, vừa rất yếu...
Những con số về lượng khách du lịch không ngừng gia tăng trong những năm qua là tín hiệu vui, nhưng đằng sau đó lại là một mối lo lớn, bởi nguồn lực của ngành du lịch đang trong tình trạng vừa thiếu, vừa rất yếu...

Nhân lực thiếu và yếu

Du lịch Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Với nhiều lợi thế như cảnh quan thiên nhiên đẹp; lịch sử, văn hóa giàu bản sắc... để du lịch phát triển mạnh mẽ, cần tích cực huy động mọi nguồn lực, trong đó quan trọng nhất và mang tính quyết định là nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng là một trong những băn khoăn lớn nhất.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, đến năm 2008, ngành du lịch có trên 424.000 lao động trực tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch và khoảng 850.000 lao động gián tiếp; trong đó, tỷ lệ lao động có chuyên môn, được đào tạo và bồi dưỡng về du lịch chiếm khoảng 42,5%.

Tuy nhiên, nếu xếp theo trình độ, thì trình độ đại học và sau đại học du lịch chỉ chiếm 7,4%; số lao động được bồi dưỡng về kiến thức du lịch (dưới sơ cấp) chiếm 45,3%. Khoảng 40,9% lao động trong lĩnh vực sử dụng tiếng Anh, Trung, Pháp. Số lao động sử dụng ngoại ngữ hiếm như tiếng Hàn, Nhật, Tây Ban Nha còn quá ít.

Ngoài điểm yếu về nghiệp vụ chăm sóc khách hàng, hạn chế lớn nhất của nhân viên du lịch Việt Nam là trình độ ngoại ngữ. Không ít khách du lịch nước ngoài khi đến Việt Nam phàn nàn về trình độ ngoại ngữ của đội ngũ nhân viên khách sạn, đặc biệt là các khách sạn nhỏ, ở những khu vực nông thôn.

Việc khách du lịch nước ngoài và nhân viên khách sạn “nói” mỏi cả tay mà vẫn không hiểu ý nhau là chuyện thường xuyên.

Theo bà Nguyễn Phương Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, trình độ ngoại ngữ kém ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ khách. Khi không có ngoại ngữ, nhân viên không thể tiếp cận khách, không hỏi han, chăm sóc được khách chu đáo, không biết khách có nhu cầu gì và ngược lại, ý kiến của khách về dịch vụ như thế nào để mình thay đổi và chỉnh sửa cho phù hợp.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030, phát triển nhân lực du lịch được đưa vào 1 trong 5 nhóm giải pháp quan trọng để phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Nâng cao chất lượng dịch vụ cho ngành du lịch, ngoài việc tăng cường cơ sở hạ tầng như khách sạn, khu vui chơi giải trí, tăng cường sản phẩm du lịch... thì quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Trong từng cử chỉ, hành động, thái độ, từ ánh mắt đến nụ cười... của những người tiếp xúc với khách du lịch đều ảnh hưởng đến chất lượng du lịch.

Theo thống kê, cả nước hiện có 40 trường đại học có khoa du lịch hoặc liên quan, 43 trường trung cấp du lịch và nhiều trung tâm đào tạo nghề du lịch.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay, nội dung chương trình đào tạo của các cơ sở không thống nhất, không có quy chuẩn tối thiểu về nội dung chương trình đào tạo, chuyên ngành du lịch cho từng bậc học, từng ngành học.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, nhiều sinh viên khi mới ra trường, do chỉ có kiến thức từ sách vở, thiếu kinh nghiệm thực tế, nên các doanh nghiệp du lịch không muốn nhận, bởi nếu tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian và công sức đào tạo lại.

Để cải thiện tình trạng này và nâng cao năng lực của nhân lực du lịch, ông Mẫn cho rằng, các trường cần khảo sát về nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và đào tạo theo nhu cầu và đặt hàng của doanh nghiệp. Trong quá trình đào tạo, các trường cần nâng cao kiến thức thực tế cho sinh viên, xem xét lại thời gian đào tạo và thực hành.

Mục tiêu phát triển của du lịch Việt Nam đến năm 2020 là trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới, nằm trong những nước đứng đầu Đông Nam Á về các chỉ tiêu phát triển du lịch (khách quốc tế và thu nhập du lịch).

Để đạt được mục tiêu này, du lịch Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao hơn và phải đạt tối thiểu 12 triệu khách vào năm 2020 (trung bình mỗi năm tăng khoảng 9,6% trong giai đoạn 2010-2020).

Muốn đạt được điều đó, chất lượng nhân lực phục vụ trong ngành du lịch cần phải được nâng cao chất lượng hơn nữa. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để du lịch Việt Nam xóa dần khoảng cách với du lịch của các quốc gia phát triển./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục