Hà Giang kỷ niệm 20 năm ngày tái thành lập tỉnh

Trong 20 năm qua, Hà Giang đã phát huy tối đa nội lực, thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững biên cương.
Ngày 1/10, tại Hội trường lớn Tỉnh ủy, tỉnh Hà Giang đã tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh (1/10/1991-1/10/2011).

Tới dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang Nguyễn Hữu Hoan; cán bộ lão thành tỉnh Hà Tuyên và Hà Giang qua các thời kỳ; Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các huyện, thành phố của hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (khóa V) ngày 27/12/1975, tháng 4/1976 tỉnh Hà Tuyên được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.

Trong 16 năm sáp nhập tỉnh, trải qua các giai đoạn với những nhiệm vụ trọng tâm khác nhau, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Tuyên đã luôn luôn đoàn kết, đồng cam cộng khổ, chung sức, chung lòng, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc.

Ngày 12/8/1991 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 8 đã ra Nghị quyết chia tách một số tỉnh, trong đó có chia tách tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh là Hà Giang và Tuyên Quang.

Cùng với việc tái thành lập tỉnh Hà Giang, tháng 9/1991, Đảng bộ tỉnh Hà Giang được tái lập. Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Giang chính thức đi vào hoạt động ngày 1/10/1991.

Khi mới tái thành lập, Hà Giang là tỉnh nghèo nhất của cả nước, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội yếu kém, giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí thấp, tỷ lệ người mù chữ còn rất cao (trên 65%).

Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông-lâm nghiệp, phương thức canh tác lạc hậu, theo mô hình tự cấp, tự túc; các loại dịch vụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt quá nhỏ bé và lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu ngân sách trên địa bàn không đáng kể. Đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành vừa thiếu, vừa yếu.

Trong 20 năm xây dựng và phát triển, nhận thức rõ những khó khăn của tỉnh, trên cơ sở quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương; với nhiều chủ trương, chính sách sáng tạo, đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tối đa nội lực, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh.

Thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ vừa xây dựng phát triển kinh tế-xã hội vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững biên cương của Tổ quốc.

Nền kinh tế tăng trưởng khá nhanh, giá trị tăng thêm của nền kinh tế trong 20 năm kể từ khi tách tỉnh 1991-2010 đạt tốc độ tăng bình quân 10%/năm.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 7,5 triệu đồng/người/năm (quy theo USD, tăng trên ba lần so với năm 1990). Thu ngân sách trên địa bàn tăng mạnh, năm 2010 đạt trên 792 tỷ đồng (năm 1992 là 12,49 tỷ đồng).

Các tiềm năng thế mạnh phát triển các lĩnh vực kinh tế xã hội từng bước được khai thác, phát huy có hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh đã khẳng định những thành tựu mà tỉnh Hà Giang đạt được trong 20 năm qua có sự đóng góp, giúp đỡ của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Mặc dù còn những khó khăn, song hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đều có những tiềm năng, thế mạnh để có thể liên kết, hợp tác cùng phát triển.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Hà Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang để từng bước thoát khỏi một tỉnh đặc biệt khó khăn, kém phát triển.

Ngay trong năm 2011 này, Đảng bộ tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang sẽ hợp tác nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nhất các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực trong phát triển nông, lâm nghiệp, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến nông, lâm sản; quản lý, khai thác và chế biến sâu về khoáng sản.

Liên kết tuyên truyền, quảng bá, phát triển các tour, tuyến du lịch hấp dẫn, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Liên kết trong phát triển kinh tế đối ngoại, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa với các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Trung Quốc.

Hai tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn từ Đoan Hùng (Phú Thọ) qua tỉnh Tuyên Quang lên Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy (Hà Giang) thành đường cao tốc./.

Minh Tâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục