Làn sóng bãi công diễn ra tại nhiều nước châu Âu

Sân bay quốc tế Brussels của Bỉ ngày 13/5 đã phải hủy 50 chuyến bay, trong khi hàng chục chuyến bay khác bị chậm trễ do bãi công.
Sân bay quốc tế Brussels của Bỉ - một trong những cảng hàng không lớn nhất châu Âu, ngày 13/5 đã phải hủy 50 chuyến bay, trong khi hàng chục chuyến bay khác bị chậm trễ, do công nhân xếp dỡ hàng tại sân bay tiến hành bãi công.

Cuộc bãi công, do Tổ chức công nhân xếp dỡ hàng lớn nhất của Bỉ Swissport Handling phát động, kéo dài hơn 1 ngày đêm, với lý do yêu cầu của tổ chức này về việc tăng thêm số công nhân xếp dỡ hàng tại sân bay không được đáp ứng.

Người phát ngôn của sân bay cho biết hơn 10.000 vali hành lý đang bị tồn đọng trong kho hành lý của sân bay. Tuy nhiên, ông này cam kết sau khi cuộc bãi công kết thúc, tất cả hành lý sẽ được đưa tới nhà cho khách hàng, đồng thời khuyến cáo hành khách chỉ nên mang hành lý xách tay khi bay.

Cùng ngày, bất mãn với việc xem xét lại các thỏa thuận về điều kiện lao động và tiền lương, 1.500 nhân viên thuộc hơn 20 chi nhánh của công ty Bưu chính Romania đã tiến hành bãi công.

Người lãnh đạo công đoàn ngành cho biết những người bãi công không hài lòng với chính sách cắt giảm tiền lương và sa thải nhân viên xuất phát từ việc cắt giảm khối lượng dịch vụ bưu chính trong nước cũng như ở nước ngoài.

Dự kiến, ngày 14/5, nhân viên các chi nhánh của công ty Bưu chính Romania trên toàn quốc cũng hưởng ứng cuộc bãi công, khiến hàng trăm nghìn bức thư và bưu kiện không đến được tay người nhận.

Công ty Bưu chính Romania có gần 7.100 chi nhánh với 32.100 nhân viên. Theo số liệu thống kê, trong năm ngoái, tổng giá trị dịch vụ của công ty này đã giảm 8,7%, xuống còn gần 400 triệu USD, trong khi tổn thất tăng 50%.

Trong khi đó, Liên hiệp công đoàn công chức Hy Lạp cùng ngày cũng thông báo ngày 14/5 sẽ tiến hành cuộc bãi công kéo dài 24 giờ, đồng thời tổ chức míttinh với sự tham gia của giáo viên tại trung tâm thủ đô Athens nhằm phản đối những cải cách của chính phủ nước này.

Cuộc bãi công diễn ra trong bối cảnh tình hình ở Hy Lạp đang trở nên căng thẳng khi thỏa thuận lao động tập thể chung hết hạn vào ngày 14/5, khiến thu nhập của người lao động sẽ giảm 10-20%.

Bên cạnh đó, bất đồng giữa giới chức và giáo viên xoay quanh một số biện pháp cải cách ngành giáo dục của chính phủ cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc bãi công.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua luật cải cách khẩn cấp, trong đó sa thải 15.000 viên chức trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2014 nhằm nhận được khoản giải ngân tiếp theo trị giá 8,8 tỷ euro (11,5 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục