Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang

Sáng 29/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XII nhiệm kỳ 2010-2015 đã khai mạc, với sự tham dự của 348 đại biểu.
Sáng 29/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 348 đại biểu đại diện cho 20.813 đảng viên của 11 đảng bộ trực thuộc.

Đại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đến dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.

Báo cáo chính trị trình bày tại đại hội nêu rõ năm năm qua, mặc dù là tỉnh mới được thành lập và có xuất phát điểm thấp, nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hậu Giang đã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Đảng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,44%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 860 USD, tăng gấp 2,12 lần so với năm 2005. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh được xếp vào loại tốt, đứng thứ 13/63 tỉnh thành trong cả nước.

Hậu Giang đã tổ chức thành công Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất, thông qua sự kiện này thu hút được nguồn vốn đầu tư lên đến hơn 47.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo chính trị cũng chỉ rõ, sự phát triển của Hậu Giang vẫn chưa đồng bộ và vững chắc, sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, công nghiệp phát triển chậm và nhỏ lẻ, năng lực lãnh đạo của một số cán bộ ở một số đơn vị còn yếu kém.

Vì vậy, mục tiêu chung trong nhiệm kỳ 2010-2015 được Đảng bộ tỉnh đặt ra là đến năm 2015 có mức phát triển trung bình khá trong khu vực, làm nền tảng đến năm 2020 đạt mức phát triển bình quân cả nước.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Đại tướng Lê Văn Dũng lưu ý, trong nhiệm kỳ tới, nông nghiệp của Hậu Giang vẫn giữ vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vì vậy tỉnh cần huy động tối đa các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và hiệu quả, nhất là việc ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất sạch, các mô hình canh tác tổng hợp, xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cần chú ý chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, tạo việc làm cho người lao động (tỷ lệ lao động được đào tạo khoảng 40%). Trong khâu đột phá cần lưu ý đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí đồng bào dân tộc, vùng sâu còn nhiều khó khăn.

Tỉnh cần tiếp tục tạo ra môi trường thuận lợi, hấp dẫn để phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, thu hút vốn từ mọi nguồn trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các mục tiêu phát triển của tỉnh, đồng thời quản lý chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, Hậu Giang cần đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, các hoạt động văn hóa, thể thao. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer. Phấn đấu giảm nghèo theo chuẩn khoảng từ 2-3% /năm.

Tiếp tục coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, làm cho cán bộ, đảng viên thấy được mặt mạnh, những khó khăn, yếu kém của tỉnh do điểm xuất phát thấp để không ngừng phấn đấu vươn lên, không chủ quan trước thành tích đạt được.

Có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực và trí tuệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong sinh hoạt đảng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong các cấp ủy đảng, sự đồng thuận trong nhân dân./.

Ngọc Thiện (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục