"Liên minh châu Âu cần duy trì kỷ luật tài chính"

Chủ tịch EU Van Rompuy nhấn mạnh để giải quyết mối lo ổn định tài chính, EU cần duy trì kỷ luật tài chính ở tất cả các nước thành viên.
Liên minh châu Âu (EU) phải tránh rơi vào suy thoái kinh tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng khi tiến hành những biện pháp "thắt lưng buộc bụng."

Đây là phát biểu của Chủ tịch thường trực EU Herman Van Rompuy với báo giới sau cuộc hội đàm ngày 9/1 tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch với Thủ tướng nước chủ nhà Helle Thorning-Schmidt bàn biện pháp giải quyết vấn đề nợ công trong EU.

Đan Mạch đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU từ ngày 1/1 vừa qua.

Theo ông Rompuy, EU không nên cắt giảm chi tiêu ngân sách đối với những ngành là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phải duy trì đầu tư cho cơ sở hạ tầng năng lượng, nghiên cứu, giáo dục và thương mại. Quyết định này cần được thực hiện đồng thời với việc giải quyết tình trạng thất nghiệp, đặc biệt trong thanh niên.

Tuy nhiên, ông Rompuy nhấn mạnh ổn định tài chính vẫn là mối lo ngại chung đối với các nước thành viên EU. Để giải quyết mối lo ngại này, EU cần duy trì kỷ luật tài chính ở tất cả các nước thành viên và tăng cường kỷ luật tài chính ở những nước đang phải thực hiện các biện pháp khắc khổ hoặc chịu sức ép từ thị trường.

Ông Rompuy cho biết trong tháng 1/2012, lãnh đạo EU sẽ hoàn tất việc soạn thảo Công ước tài chính mới, được nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh ngày 9/12 năm ngoái, để các nước tham gia ký văn bản này vào đầu tháng Ba tới.

Công ước tài chính mới đề cập những mục tiêu và công cụ thực hiện rất cụ thể để quản trị Khu vực đồng euro, bao gồm biện pháp giải quyết những vi phạm về mức trần thâm hụt ngân sách cũng như biện pháp cân bằng ngân sách.

Các công cụ mới liên quan đến Cơ chế Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) sẽ được chính thức áp dụng vào cuối tháng này thông qua Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ dài hạn thay thế EFSF hết hiệu lực vào năm 2013, sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7/2012, sớm hơn dự kiến. Cả hai cơ chế này sẽ là những công cụ để giải cứu bất kỳ nước thành viên EU nào khỏi nguy cơ vỡ nợ công.

Người đứng đầu EU cho biết thêm tổ chức này sẵn sàng sử dụng biện pháp kích cầu và tận dụng triệt để tiềm năng của Khu vực đồng euro nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng nợ công và tránh để xảy ra khủng hoảng tín dụng ở các nước thành viên. Để thực hiện mục tiêu này, EU phải tìm kiếm các cơ hội buôn bán và xuất khẩu mới, bao gồm các thỏa thuận thương mại song phương, đặc biệt với Ấn Độ và Mỹ Latinh.

Những vấn đề này sẽ được thảo luận tại Hội nghị không chính thức của Hội đồng châu Âu, dự kiến diễn ra vào ngày 30/1 tới và trong các cuộc gặp tương tự vào tháng Ba và tháng Sáu năm nay.

Ông Rompuy tỏ ý hy vọng Đan Mạch dù không phải là nước thành viên Khu vực đồng euro, song trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU sẽ giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán về Công ước tài chính mới, giống như Hungary và Ba Lan đã từng góp phần đem lại thỏa thuận về các chính sách tài chính quan trọng khác trong thời gian hai quốc gia này lần lượt đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục