HN: Xây dựng đường trên cao Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở

Hà Nội: Xây đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở

Ngày 27/8, UBND thành phố Hà Nội đã ký phê duyệt dự án xây đường trên cao đoạn Ngã Tư Sở-cầu Vĩnh Tuy, tổng mức đầu tư hơn 4.765 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2016.
Ngày 27/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ký phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở với tổng mức đầu tư hơn 4.765 tỷ đồng theo hình thức BT (Hợp đồng xây dựng-chuyển giao). Theo Ủy ban Nhân dân thành phố, việc xây dựng tuyến đường bộ trên cao này nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tuyến đường vành đai 2, nâng cao năng lực thông hành của tuyến đường, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong khu vực, giải quyết cấp bách nạn ùn tắc giao thông do tốc độ phương tiện giao thông đang tăng nhanh trong giai đoạn hiện nay. Đề thu hồi vốn cho nhà đầu tư, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng tạo điều kiện cho nhà đầu tư được khai thác quỹ đất 96ha tại khu Sài Đồng A (quận Long Biên) và nghiên cứu lập quy hoạch thực hiện dự án khu đô thị mới trên khu đất để thực hiện dự án khác nhằm thu hồi vốn đầu tư công trình theo hình thức BT. Trước đó, Hà Nội đã có quyết định chỉ định Tập đoàn Vingroup là nhà đầu tư cho dự án này. Từ năm 2010, Công ty Cổ phần Vincom (nay là Tập đoàn Vingroup) đã kiến nghị Thủ tướng và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội xin được là chủ đầu tư tuyến đường trên cao vành đai 2. Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu cơ quan quản lý thực hiện dự án, nhà đầu tư, các Sở, ngành và cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện dự án đầu tư theo đúng quyết định phê duyệt về chi phí đầu tư, xây dựng, quản lý chất lượng công trình… Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng giao Sở Giao thông Vận tải thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình, phối hợp với nhà đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị sô 1 để thống nhất phương án thiết kế, biện pháp thi công nút Ngã Tư Vọng… đồng thời kiểm tra giám sát nhà đầu tư trong quá trình tổ chức thi công, giám định chất lượng, tình trạng công trình. Trước đó, việc xây dựng đường trên cao vành đai 2 nối từ cầu Vĩnh Tuy qua Ngã Tư Vọng đã dấy lên lo ngại cả hai cây cầu vượt này sẽ bị phá bỏ, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng mà ngân sách đã đầu tư cho dự án.
[Xây đường trên cao tại Hà Nội liệu có khả thi?]
Tuy nhiên, theo đề xuất của Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), tại nút giao cầu vượt Ngã Tư Vọng, tầng 3 của tuyến đường vành đai 2 sẽ được xây vượt trên cầu vượt hiện tại và tuyến đường sắt trong tương lai. Như vậy, đường sẽ cao 32,8m, tương đương tòa nhà 7 tầng. Với nút Ngã Tư Sở, điểm cuối của đường vành đai 2 trên cao sẽ xây vượt luôn cầu vượt hiện tại và cả tuyến đường sắt đô thị sẽ đi qua đây trong tương lai, tiếp đất qua nút Ngã Tư Sở. Riêng tại nút Vĩnh Tuy, TEDI đề xuất xây dựng đường dẫn ra vào đường trên cao. Với phần đường dẫn này, để thuận lợi cho phương tiện đi lên đường trên cao, phía tư vấn đề xuất tiếp tục giải phóng mặt bằng ra ngoài chỉ giới đã có hiện nay./.
Quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường đi trên cao nối từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở và hướng ngược lại trong đó điểm đầu tuyến tại phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tuyến tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở phía đường Trường Chinh.

Tuyến có chiều dài hơn 5 km, vị trí tuyến đường bộ trên cao nằm trong giải phân cách tuyến đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng-cầu Vĩnh Tuy).

Diện tích đất sử dụng khoảng 10,4ha (trong phạm vi chỉ giới đường đỏ đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng-cầu Vĩnh Tuy).

Tiến độ thực hiện dự án trong vòng 48 tháng dự kiến từ năm 2013-2016.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục