Sản lượng dầu Iraq sụt giảm, thế giới nhận "tin xấu"

IEA cảnh báo bất kỳ sự sụt giảm ngoài dự kiến nào về tăng trưởng sản lượng năng lượng của Iraq sẽ là một "tin xấu" cho thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin AFP, nhà kinh tế hàng đầu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol đã cảnh báo rằng bất kỳ sự sụt giảm ngoài dự kiến nào về tăng trưởng của sản lượng năng lượng của Iraq cũng sẽ là một "tin xấu" cho phần còn lại của thế giới.

Ông Fatih Birol nhấn mạnh rằng sự sụt giảm như vậy không phải là trọng tâm dự báo của IEA, song đó là một khả năng hoàn toàn có thể mà cơ quan này đã đưa vào bản báo cáo sắp tới về ngành năng lượng Iraq dự kiến công bố vào tháng 10 tới.

Những nhận xét trên của ông được đưa ra vào thời điểm sản lượng dầu thô của Iraq đang gia tăng và vào đầu năm nay, nước này đã vượt qua Iran để trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), với triển vọng sản lượng sẽ còn gia tăng hơn nữa trong những năm tới.

Theo ông Birol, nếu sản lượng dầu của Iraq sụt giảm ngoài dự kiến, những nước như Trung Quốc, các nước châu Âu và các nước châu Á đang phát triển, sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhu cầu dầu mỏ gia tăng chủ yếu đến từ Trung Quốc và các nước châu Á, còn mức giá cao hơn cũng ảnh hưởng tới các nước châu Âu khi nền kinh tế châu lục này vẫn còn rất mong manh.

Ông Birol nhấn mạnh tuy điều này là khả năng "khó có thể xảy ra" song cần phải lưu tâm đến nó, cũng như cần phải thấy rằng thế giới cần đến Irắc như thế nào và vai trò quan trọng của Iraq ra sao trong những năm tới, khi quốc gia Trung Đông này hòa nhập vào thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Ông cho rằng không có nước nào có thể theo kịp được Iraq trong việc gia tăng sản lượng trong một thời gian ngắn như vậy.

Iraq hiện sản xuất khoảng 3,2 triệu thùng dầu/ngày và xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng/ngày. Quốc gia giàu dầu khí này có trữ lượng dầu đã được kiểm chứng là 143,1 tỷ thùng dầu và 3.200 tỷ m3 khí đốt - cả hai đều nằm trong số trữ lượng nhiều nhất thế giới.

Xuất khẩu dầu mỏ đóng góp rất lớn cho thu nhập quốc gia của Iraq và Bagdad đang nỗ lực tăng cả sản lượng lẫn doanh số bán dầu mỏ trong những năm tới, để có thể có tiền giúp tái thiết nhanh chóng nền kinh tế vốn bị kiệt quệ vì xung đột này./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục