Lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc: Cần "giải pháp mạnh"

Trong khi phía Hàn Quốc đưa ra điều kiện Việt Nam phải giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước từ 57% xuống dưới 27% và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã hứa sẽ thực hiện được trong quý IV/2012 thì đến hết quý I/2013 tỷ lệ này mới chỉ giảm xuống 48%, còn cách xa yêu cầu của phía Hàn Quốc. Ngày 7/5, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước để rút kinh nghiệm và tìm giải pháp mới.
Đã gần một năm kể từ khi Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam nhưng những nỗ lực “khơi thông” lại thị trường lao động này vẫn chưa có hiệu quả và có lẽ sẽ cần có những giải pháp “mạnh tay” hơn nữa.

[Tư vấn cho lao động Việt tại Hàn về nước đúng hạn]

Trong khi phía Hàn Quốc đưa ra điều kiện Việt Nam phải giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước từ 57% xuống dưới 27% và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã hứa sẽ thực hiện được trong quý IV/2012 thì đến hết quý I/2013 tỷ lệ này mới chỉ giảm xuống 48%, còn cách xa yêu cầu của phía Hàn Quốc.

Ngày 7/5, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước để rút kinh nghiệm và tìm giải pháp mới.

Tuyên truyền “suông” vẫn khó

Đại diện 11 địa phương có số lượng người lao động hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc phải về nước năm 2012, 2013 đông nhất đã đến tham dự sơ kết. Theo đại diện các địa phương thì công tác tuyên truyền, vận động lao động về nước đang gặp khó khăn vì thiếu kinh phí,  gặp phải sự thờ ơ của người lao động đang là trở ngại lớn cho công tác tuyên truyền vận động.

Ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng Lao động-Việc làm-Tiền lương-Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nghệ An) cho biết, để giảm được 10% tỷ lệ lao động bất hợp pháp, Nghệ An đã đẩy mạnh triển khai tuyên truyền sâu rộng, mời cả gia đình có con cư trú bất hợp pháp đến tham gia hội nghị, đọc tên cụ thể danh sách lao động bỏ trốn, lao động sắp hết hạn lên loa truyền thanh xã, phường… nhưng để tỷ lệ này giảm nhiều hơn rất khó.

“Trong khi về nước chưa chắc có việc làm hoặc có việc mức lương chỉ 2-3 triệu đồng/tháng thì ở Hàn Quốc được trả tới vài chục triệu/tháng, nên rất khó thuyết phục lao động trở về, họ thường có tâm lý bị bắt về lúc nào thì về lúc ấy chứ không tự nguyện về,” ông Nguyễn Đăng Dương nói.

Mặc dù vẫn triển khai các biện pháp thông tin, vận động nhưng Nam Định là tỉnh có tỷ lệ lao động bỏ trốn không giảm mà lại tăng. Bà Khương Thị Mai, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định cho rằng bên cạnh tuyên truyền, Nam Định còn áp dụng biện pháp yêu cầu các địa phương không xác nhận cho những người thân của lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc đi làm việc ở nước ngoài… nhưng vấn đề thu nhập tại Hàn Quốc cao đang gây cản trở rất lớn.
 
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Đăng Dương và bà Khương Thị Mai, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cho rằng tất cả khó khăn, vướng mắc bắt đầu từ nguyên nhân thu nhập hấp dẫn . Theo ông Nguyễn Thế Dũng, muốn xử lý triệt để hiện tượng này cần có chế tài ràng buộc đủ mạnh đối với lao động đi làm việc tại Hàn Quốc không để lao động bỏ hợp đồng vì không bị ràng buộc gì như hiện nay.

Càng để lâu vị thế lao động càng giảm


Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, ông Choi Byung – Gie, Tổng Giám đốc Trung tâm EPS Việt Nam (Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc)  nhận định, mặc dù các cơ quan chức năng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện giải pháp nhưng vẫn chưa hiệu quả. Theo thống kê, từ khi có quyết định ngừng gia hạn hợp đồng tuyển lao động Việt Nam tỷ lệ lao động bất hợp pháp mỗi quý chỉ giảm khoảng 3%.

Ông Choi Byung-Gie cho biết, lý do thoả thuận tiếp nhận lao động bị ngừng là do tỷ lệ bỏ trốn cao, nếu Việt Nam muốn được ký lại thì tỷ lệ đó phải giảm xuống 20%, nếu vẫn còn cao như hiện nay sẽ rất khó.

“Tôi cho rằng việc cần làm sắp tới ngoài tuyên truyền vận động thì cần có thêm chế tài đủ mạnh, cần có quy định về tiền đặt cọc, tiền bảo lãnh để ngăn ngừa lao động cư trú bất hợp pháp....Nếu Việt Nam thực hiện 3 biện pháp: Tuyên truyền, xây dựng quy định ràng buộc, tăng lượng người quản lý lao động thì sẽ cải thiện được tình hình,”  ông Choi Byung nói.

Trước những ý kiến về sự cần thiết của những chế tài ràng buộc người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hoà cho rằng đây là giải pháp cần thiết và sẽ triển khai nhưng chưa thể thực hiện được ngay vì để thay đổi luật cần nhiều thời gian. Trong lúc chưa có chế tài ràng buộc thì biện pháp có thể làm ngay là tuyên truyền vận động vẫn phải đẩy mạnh và tiếp tục duy trì.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà cũng cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án tổ chức văn phòng đại diện của trung tâm lao động ngoài để có thể giúp quản lý, nắm bắt lực lượng lao động lớn tại nước ngoài. Hiện tại, chỉ có 1,2 cán bộ quản lý lao động tại đại sứ quán không đủ sức quản lý hàng chục nghìn lao động tại nước ngoài.

Để phối hợp với các biện pháp tuyên truyền của Việt Nam, Ông Choi Byung – Gie cho biết trong tháng 5 hoặc tháng 6/2013 Hàn Quốc sẽ tổ chức truy quyét lao động bất hợp pháp quy mô lớn trên toàn quốc. Ông Choi Byung – Gie dự đoán, nếu kết hợp các biện pháp mạnh của Hàn quốc và tuyên truyền ở Việt Nam, tỷ lệ có thể giảm xuống 30, 40%.

“Tôi hy vọng trong quý III năm nay Việt Nam có thể được ký lại thỏa thuận tiếp nhận lao động, càng chậm hơn thì vị thế của lao động Việt Nam sẽ càng giảm,” ông Choi Byung – Gie nói./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục